Tri ân các Anh hùng liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị

Thứ Hai, 11/07/2011, 16:16
Nhiều cựu chiến binh - những người từng vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 đứng rất lâu bên bến sông này khi trở lại đây vào tháng 7 anh linh. Dưới dòng nước trong lành ấy có máu xương của các chiến sỹ Sư đoàn 312, 308, 320…, các công binh chủng, tư lệnh, quân khu trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ đầy bi tráng.

Linh thiêng bên dòng sông trắng

Ngày 10/7, bên dòng sông Thạch Hãn, đại lễ cầu siêu, tri ân và lưu danh liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị do Dự án văn hóa "Uống nước nhớ nguồn" thuộc Trung tâm Thông tin truyền thông Vì Môi trường phát triển; công ty Văn hóa trí tuệ Việt; Ban liên lạc chiến sỹ Bảo vệ thành cổ Quảng Trị - 1972; Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam tổ chức đã diễn ra trong không khí trang nghiêm.

Ngay từ 5h, các tăng ni, phật tử, người dân thành cổ đã bày lễ vật là hương hoa, bánh trái để lập đàn cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ. 6h, trước sự có mặt đông đủ của hàng trăm cựu chiến binh từng chiến đấu bảo vệ thành cổ, đại diện chính quyền địa phương, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng - Phó Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị cùng các tăng ni, phật tử đã tiến hành làm lễ cầu siêu. Tiếng tụng kinh hòa cùng tiếng thỉnh chuông ở tháp chuông trong Khu Di tích Thành cổ Quảng Trị tạo nên không khí linh thiêng.

18h, khi bóng chiều đổ dài trên sông Thạch Hãn, lễ phóng sinh - thả hoa đăng diễn ra. Ánh sáng từ những ngọn đèn hoa đăng hòa cùng ánh trăng cộng với sự lấp lóa sóng sánh của những con sóng đem theo lời nguyện ước tri ân với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh thân mình bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 39 năm trước, cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được những người đang hưởng thái bình tưởng nhớ bằng nghi lễ mang đậm tính tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Trong dịp này, lễ dâng hương - dâng sách "Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị" - cuốn sách tái hiện những trang sử hào hùng trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cũng được tiến hành. "Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị" là tác phẩm thứ 7 trong bộ sách "Huyền thoại Việt Nam" được thực hiện. Không chỉ tái hiện 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 bất khuất, cuốn sách còn công bố danh sách hơn 4.000 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến giữ thành cổ Quảng Trị. Khắc ghi tên các anh trong một bản đại sách là cách để những người đồng đội, những người đang sống trong hòa bình, tự do bày tỏ lòng biết ơn.

Cựu chiến binh Sư đoàn 312 nhớ lại cuộc vượt sông đêm 22/8/1972 bên dòng Thạch Hãn.

Chăm lo đời sống cho các cựu chiến binh, người dân sống trong khu vực Thành cổ Quảng Trị cũng là mối quan tâm của chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp. Nhân dịp này, Vietinbank trao 200 suất quà cho gia đình thân nhân liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Ký ức của các cựu binh bên dòng Thạch Hãn

Những người lính hôm nay trở lại dòng Thạch Hãn - nơi mùa hè đỏ lửa năm 1972 họ đã vượt sông giữa làn đạn của kẻ thù đã kể cho chúng tôi - những người được sinh ra trong thời bình khoảng thời gian đầy oai hùng trong thời tuổi trẻ của mình.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Diên, quê ở Hà Tĩnh bảo rằng, đây là lần thứ 3 ông trở lại bến Thạch Hãn, đúng đoạn sông mà cách đây 39 năm, ông và đồng đội của mình đã mình trần vác theo quân tư trang (đã bọc kín bằng bao nilon) vượt sông sang giữ thành cổ. Lần nào, khi đứng trước dòng sông này, trong ông cũng trào dâng những cảm xúc khó tả.

Năm 1980, 5 năm sau ngày giải phóng đất nước, ông dẫn thân nhân liệt sỹ đi khắp các chiến trường Quảng Trị để tìm hài cốt. Lúc đó, ông cũng đến bên dòng sông này và đứng lặng nhìn ngắm dòng nước lững lờ trôi. Ông cho tôi biết, chính trên dòng sông này, chiến sỹ quân y của Tiểu đoàn - Tống Trần Loan đã hy sinh. Hài cốt của anh đến nay chưa tìm thấy và ông tin rằng, nó vẫn đang lẩn khuất dưới dòng sông thiêng này.

"Mình may mắn được chứng kiến ngày toàn thắng, được trở về với gia đình, có vợ, có con. Còn các đồng chí ấy thì mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi", cựu chiến binh Nguyễn Xuân Diên chia sẻ.

Cựu chiến binh Hồ Xuân Lý, một đồng đội và cùng quê với cựu chiến binh Diên cũng có những hồi ức về những ngày chiến đấu ác liệt để bảo vệ thành cổ. Ông bị thương trong cuộc chiến 81 ngày đêm nhưng vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu ở các chiến trường khác và lại bị bom đạn của quân thù lấy đi một phần máu thịt. Rời quân ngũ, ông là thương binh với thương tật mất đi một cách tay.

Đứng bên này sông Thạch Hãn, các cựu chiến binh Sư đoàn 312 đọc cho tôi nghe tên dãy núi phía trước, chỉ cho tôi thấy đoạn sông mà cách đấy 39 năm cả Trung đội của họ đã vượt sông - Đó là đêm 22/8/1972. "Đạn pháo binh từ cửa Việt bắn vào liên tục, đêm tối như mực, muỗi nhiều vô kể nhưng chúng tôi mình trần, quân tư trang gói kín vào bao nilon rồi lặng lẽ vượt sông. Người biết bơi thì kéo theo người không biết bơi, cứ thế cả đêm đơn vị chúng tôi vượt sông thành công", cựu chiến binh Vũ Khắc Hòa kể.

Dưới làn mưa bom, lửa đạn của kẻ thù, ông và đồng đội của mình đã kiên trì chiến đấu. Rời chiến trường Quảng Trị, ông tiếp tục hành quân vào miền Nam và tham gia giải phóng thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Trở về sau ngày toàn thắng, ông đã sống cuộc sống bình dị của người lính rời quân ngũ. Cũng ở Sư đoàn 312, các cựu chiến binh Nguyễn Văn Tín, Vũ Hữu Đáng, Nguyễn Đình Chi đã trở lại giảng đường để trở thành bác sỹ, cán bộ Nhà nước.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đang trên đường đổi mới, đời sống của người dân dần được cải thiện nhưng chúng ta không thể nào quên, sự tàn khốc của chiến tranh và công ơn của những người lính đã ngã xuống. Tri ân những chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ là một trong những hoạt động thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta

Cao Hồng
.
.
.