Trẻ bị bỏng do người lớn... bất cẩn

Thứ Năm, 22/05/2008, 09:32
Bé gái Nghiêm T.L., 10 tháng tuổi ở Hải Dương được bà bế sang nhà hàng xóm chơi, người lớn mải chuyện, còn bé bò đến chỗ phích nước chơi mà không ai để ý... Bé L. được xác định bị bỏng 15%, trong đó 11% là bỏng sâu.

Chưa đến giai đoạn cao điểm bệnh nhân bỏng nhập viện, nhưng mới vào đầu hè, số bệnh nhân bỏng đã tăng mạnh. Điều đáng nói là ngoài số ca bỏng tập thể thương tâm của người lớn, số trẻ em bị bỏng do những vật dụng ngay trong nhà như phích nước sôi, bếp lửa, ổ điện… luôn chiếm đa số.

Dự báo sắp tới, khi các em học sinh bắt đầu nghỉ hè thì số bệnh nhân bỏng còn gia tăng hơn nữa, nếu các bậc cha mẹ vẫn bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày.

Một phút sơ sểnh, di chứng suốt đời

Những ngày gần đây, Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân bỏng/ngày, trong đó có khoảng một nửa số bệnh nhân phải nhập viện. Ngày thường, Viện có khoảng 170 bệnh nhân điều trị nội trú, nhưng hiện nay, số này lên tới hơn 200 bệnh nhân. Điều đáng buồn là số ca trẻ em bị bỏng và điều trị di chứng sau bỏng luôn chiếm hơn 50% tổng số bệnh nhân.

Tại Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia hiện có hơn 30 cháu bé đang điều trị. Cháu Vũ Q.T., 14 tuổi, ở Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Tây đã phải cắt mất một cánh tay vì trò nghịch dại. Chỉ một lần đứng trên ban công tầng 2 ở nhà, lấy gậy quất lên đường dây điện cao thế, T. đã bị bỏng điện.

Sau khi bị ngất đi và được đưa đến viện tới nay, T. đã điều trị ở Viện hơn một tháng. Ngoài cánh tay bị hoại tử phải cắt đi, do phải nằm viện kéo dài, T. phải điều trị thêm bệnh đại tràng và bị sụt cân, những vết bỏng trên người chưa bình phục hẳn.

Tại khoa còn có những ca bệnh rất thương tâm, nhiều trẻ đang ở tuổi tập bò, tập đi bị bỏng nặng. Mẹ bệnh nhi Nguyễn C.T., 19 tháng tuổi, ở Hưng Yên buồn bã kể lại, bé T. đang chập chững tập đi, vì thế gia đình chị luôn có người trông cháu.

Nhưng một lần sơ sểnh, cháu bò đến nghịch và làm đổ phích nước sôi ở góc nhà. Khi người lớn kịp chạy vào thì cháu đã bị bỏng từ bụng xuống hai bàn chân. Cả nhà vội vàng đưa bé đến Viện Bỏng Quốc gia, cháu được xác định bỏng sâu 23%.

Nằm bên cạnh bé T. là bé gái Nghiêm T.L., 10 tháng tuổi ở Hải Dương. Bé L. được bà bế sang nhà hàng xóm chơi, người lớn mải chuyện, còn bé bò đến chỗ phích nước chơi mà không ai để ý. Bé L. được xác định bị bỏng 15%, trong đó 11% là bỏng sâu. Hầu hết các cháu bé ở đây đều bị bỏng nước sôi và bỏng nặng...

Ngoài ra, Viện vừa tiếp nhận hai ca bỏng tập thể với 6 người mắc, tình trạng rất nặng do nổ bình gas tại Hà Nội và khai thác than thổ phỉ tại Hoà Bình. Tất cả đều bị tai nạn bỏng trong điều kiện gần như không có phương tiện bảo hộ lao động và thiếu hiểu biết cách phòng hộ, sơ cứu cho người bị bỏng.

Bốn bệnh nhân bỏng do khai thác than đều bị bỏng đường hô hấp do cháy nổ khí trong hầm. Đây là thể bỏng nguy hiểm, phải điều trị tốn kém và lâu dài.

Đề cao phòng bệnh trước "giờ cao điểm"

Theo thống kê từ các bệnh viện công lập trên toàn quốc, mỗi năm có tới 20.000 - 25.000 bệnh nhân bỏng, chỉ xếp sau bệnh nhân tai nạn giao thông. Nhưng trên thực tế, số bệnh nhân bỏng còn cao hơn do nhiều bệnh nhân bỏng ở vùng sâu, vùng xa không vào bệnh viện điều trị hoặc điều trị tại nhà, tìm thầy lang…

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia cho biết, theo thống kê của Dự án "Phòng chống tai nạn bỏng cho cộng đồng, tập trung vào đối tượng trẻ em và nhóm nguy cơ cao", do Viện Bỏng Quốc gia phối hợp với Quỹ châu Á điều tra tại 30 tỉnh, thành, số tai nạn bỏng chiếm khoảng 1% dân số, tức là nước ta có khoảng 850.000 bệnh nhân bỏng/năm.

Mỗi ngày có tới 40 bệnh nhân bỏng tới khám là quá đông và rất đáng buồn - TS Lượng tâm sự. Tại nhiều trung tâm bỏng quốc gia trên thế giới, hàng tuần, hàng tháng mới có một vài bệnh nhân nhập viện. Điều này cho thấy, nếu người dân hiểu biết và đề cao phòng bệnh, thì sẽ giảm đáng kể những thiệt hại về tinh thần và sức khoẻ do tai nạn bỏng.

Ở nước ta, số bệnh nhân bỏng thường tăng mạnh vào thời điểm học sinh bắt đầu nghỉ hè và tập trung chủ yếu vào trẻ em. Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân bị bỏng nặng đều không được sơ cứu đúng cách, kéo theo điều trị phức tạp và di chứng nặng nề sau khi ra viện.

Nguy hiểm hơn cả là những ca bỏng nặng, bệnh nhân bị sốc, biểu hiện mạch nhanh, tụt huyết áp, khó thở, các chức năng sống suy giảm…, nếu không được phòng sốc đúng cách và nhập viện muộn, bệnh nhân có thể tử vong.

TS Lượng cho biết thêm, khi bị bỏng, phải nhanh chóng ngâm hoặc dội nước sạch vào vị trí bỏng để hạ nhiệt độ. Sau khoảng 15 - 20 phút, dùng băng sạch băng ép nhẹ lên vị trí bỏng để tránh hình thành nốt phỏng da. Nếu bệnh nhân bỏng điện bị ngừng tim, ngừng thở đột ngột, cần tách ngay ra khỏi nguồn điện, nằm tại chỗ trên nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân thở, tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.

Để phòng sốc cho bệnh nhân, phải bù dịch càng nhanh càng tốt, cách đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống nước hoặc oresol, với trẻ đang bú sữa mẹ phải cho bú liên tục.

Nếu chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên càng cần lưu ý bù dịch trong quá trình đi đường, cần động viên an ủi bệnh nhân để tránh hoảng loạn tinh thần, stress, vì đây cũng là nguyên nhân gây sốc

Thanh Loan
.
.
.