Trao giải thưởng Kovalevskaia cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc

Thứ Bảy, 13/03/2010, 15:30
Sáng 12/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia đã làm lễ kỉ niệm 25 năm Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, đồng thời trao giải thưởng cao quý này cho 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Chủ tịch Quỹ Kovalevskaia Việt Nam), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cùng với GS.TS Ann Koblitz và GS.TS Neal Koblitz (Giám đốc Quỹ Kovalevskaia) đã tới dự.

Ba nhà khoa học nữ được nhận giải lần này là: PGS.TS Lê Thị Thúy (Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), PGS.TS Phan Thị Tươi (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP HCM), PGS.TS Phạm Thị Thuỳ (Trưởng phòng Thí nghiệm vi sinh vật côn trùng - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ghi nhận, biểu dương những thành tích mà đội ngũ những nhà khoa học nữ đã làm được trong những năm qua, đồng thời nhắc nhở động viên các nhà khoa học nữ tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước, làm thay đổi sâu sắc những quan niệm về bình đẳng giới.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam trao giải thưởng tặng 3 nhà khoa học nữ.

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng khoa học thường niên được tổ chức ở Việt Nam từ năm 1985 với mục đích tôn vinh những người phụ nữ làm khoa học. Tới nay đã có 34 cá nhân và 15 tập thể được vinh dự nhận giải thưởng này. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng quyết định tặng Huân chương Hữu nghị cho GS.TS Ann và Neal Koblitz vì những đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học Việt Nam.

Vài nét về 3 nhà khoa học nữ nhận giải thưởng Kovalevskaia:

PGS.TS Phan Thị Tươi: Người đi tiên phong trong ngành Khoa học máy tính

31 năm làm công tác giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa TP HCM, PGS.TS Phan Thị Tươi đã dày công nghiên cứư lĩnh vực "Xử lý ngôn ngữ tự nhiên" với mục đích làm cho máy tính có thể hiểu được ngôn ngữ của con người trong quá trình xử lí thông tin thông qua các "trình biên dịch".

Đây là lĩnh vực rất khó, hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Với những đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin (chủ nhiệm 8 đề tài), PGS.TS Phan Thị Tươi đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng hai, ba; danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu khác. 

PGS.TS Phạm Thị Thùy: Thành công với các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường

Đứng trước nguy cơ các loại thuốc trừ sâu hóa học hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, PGS.TS Phạm Thị Thùy đã đi sâu nghiên cứu các loại thuốc trừ sâu vi sinh, vừa thân thiện môi trường, vừa tạo ra các loại thực phẩm an toàn.

Hai chế phẩm nấm Beauveria và Metarhizium được cấp bằng độc quyền sáng chế, khi áp dụng vào thực tiễn đã đem lại giá trị hàng tỉ đồng cho nông dân. Với 21 đề tài khoa học, 94 công trình nghiên cứu, PGS.TS Phạm Thị Thùy đã 2 lần nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (năm 1995 và 1999), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2006), Cúp Vàng Techmart Việt Nam (2005)…

PGS.TS Lê Thị Thuý: Đột phá công nghệ gen

Với bản quyền độc quyền quản lí việc sử dụng 20 đoạn gen của Ngân hàng Gen thế giới, PGS.TS Lê Thị Thuý đã góp phần tạo đột phá trong ngành công nghệ gen của Việt Nam. Chị là người đầu tiên nghiên cứu và làm luận án Tiến sĩ về giống ngan, nhân giống đàn lợn Bản cho nông dân vùng dân tộc, khôi phục và bảo tồn giống gà Hồ quý hiếm, phát hiện 29 đoạn gen liên quan đến năng suất bò sữa…

Các công trình nghiên cứu về gen của PGS.TS Lê Thị Thúy đã góp phần quan trọng vào việc lai tạo, chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng; khôi phục, bảo tồn các giống quý hiếm; tiến hành nhân bản, tránh mất mát nguồn gen quý do dịch bệnh, thiên tai… Với tổng cộng 104 công trình nghiên cứu đã công bố, PGS.TS Lê Thị Thuý đã hai lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giải thưởng Bông lúa vàng Hội chợ quốc

Hà Ly
.
.
.