Tránh lãng phí cả trăm triệu ghế trống khách mỗi năm

Thứ Hai, 09/05/2011, 11:45
Cho tới thời điểm này vẫn còn tồn tại đến 101 lý do khiến người dân ngại sử dụng xe buýt. Và khi các nguyên nhân này được khắc phục triệt để, khách đi lại bằng xe buýt không tăng thì hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại TP HCM vẫn chưa thể tránh được khoản tiền lãng phí không nhỏ, lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do tình trạng trống chỗ gây ra.

Đi xe buýt rẻ bằng một nửa chạy xe gắn máy

Với giá vé hiện tại, chi phí đi lại bằng xe buýt cho cự ly 20km chỉ tốn 4 - 8.000 đồng/lượt, chưa bằng một nửa so với chi phí tiền xăng khi đi xe gắn máy trên cùng cự ly. So với đi xe ôtô cá nhân, tiền vé xe buýt lại càng thấp, chỉ bằng từ 7 - 11%. Không chỉ tiết kiệm tiền xăng dầu, theo thạc sỹ Lê Thị Mỹ Hà, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, đi xe buýt đã "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu", không phải căng thẳng mà hành khách còn có thời gian để tranh thủ ngủ hoặc thư giãn.

Tính toán của Sở GTVT sau ngày giá xăng tăng lên 21.300 đồng/lít, cũng cho thấy: Chỉ cần tính bình quân mỗi ngày một xe máy chạy hết 1 lít xăng, khi vận động được 1 triệu người đi xe máy chuyển sang sử dụng xe buýt, mỗi ngày trên địa bàn TP HCM sẽ tiết kiệm được 21,3 tỷ đồng chi phí xăng dầu cho việc đi lại bằng xe máy. Tuy nhiên, một kết quả thăm dò với 400 người dân do TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam công bố mới đây lại cho thấy rằng xe máy vẫn đang là đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất với các loại phương tiện công cộng khác. Cụ thể, vẫn còn tới 58% ý kiến trả lời sẽ chọn các loại phương tiện khác như xe đạp, xe ôm… để đi lại nếu không có xe gắn máy trong khi số người chọn xe buýt chỉ có 45,8%.

Xe buýt trống khách nối đuôi nhau trên đường và thi nhau phả khói vào mặt người đi đường.

Kết quả khảo sát của Ths Lê Thị Mỹ Hà cũng cho ra kết quả: Phương tiện xe gắn máy để phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân chiếm tới 81% trong khi xe buýt chỉ có 4,7%. Trong số hành khách đi xe buýt này, tỷ lệ học sinh - sinh viên chiếm 63%; công nhân là 6,3% và chỉ có rất ít đối tượng công chức, viên chức là những đối tượng có lộ trình, giờ giấc đi lại ổn định sử dụng xe buýt. Thực trạng này còn cho thấy cuộc vận động cán bộ công nhân viên sử dụng xe buýt đi làm do thành phố phát động chưa thực sự đạt hiệu quả.

Trong khi các tuyến xe buýt còn rời rạc, để sử dụng xe buýt đi lại với lộ trình trên dưới 20km, thông thường một hành khách phải đi từ 2 - 4 chặng; đối tượng sử dụng xe buýt lại là những người thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập…

Vì vậy thạc sỹ Phạm Thị Phương Loan, Trường Đại học Y dược TP HCM cho rằng: Muốn động viên người dân đi xe buýt phải thu hút bằng giá vé đi xe thật rẻ. Song ngược lại, do đã "ngốn" quá số tiền được duyệt trợ giá hàng năm, khi giá xăng dầu liên tục tăng gần đây, giá vé xe buýt cũng đã phải điều chỉnh tăng theo. Ngay ở những tuyến được trợ giá, hiện giá vé xe buýt rẻ nhất cũng đã là 4 ngàn đồng và cao nhất là 10 ngàn đồng; các tuyến không trợ giá có cự ly trên 20km, giá vé suốt chặng đã vượt qua mức 10 ngàn đồng/lượt.

Tồn tại 101 lý do khiến người dân ngại đi xe buýt

Về lý do để nhiều người không chọn phương tiện đi lại bằng xe buýt, chính ông Văn Công Điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng cũng đã phải thừa nhận rằng: Chiều dài của một tuyến xe buýt lớn, số lượng trạm dừng nhiều. Đi lại hết trên một tuyến sẽ mất nhiều thời gian, nhất là vào những giờ cao điểm nên nhiều người vẫn chọn cách đi xe máy cho tiện.

Mặt khác, tình trạng điều chỉnh tuyến để phục vụ thi công hoặc phân luồng giao thông khiến xe buýt chỉ còn chạy 1 hướng cũng liên tục diễn ra. Năm 2009 có 243 lần phải điều chỉnh lộ trình của 80 tuyến; năm 2010 vừa qua là 208 lần can thiệp vào lộ trình của 70 tuyến và chỉ trong quý 1 năm nay cũng đã có 44 lần điều chỉnh với 34 tuyến… việc này cũng đã khiến lượng khách giảm đi.

Nhưng chưa hết, về chất lượng xe buýt, chỉ có 9,5% số ý kiến trả lời tốt, đa số ý kiến còn lại chỉ đánh giá chất lượng tạm được. Và còn tới 37% số người trả lời cho rằng các tuyến xe buýt hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Theo ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, năm 2010 vừa qua có 7.362 ý kiến phản ánh về chất lượng phục vụ, trong đó số người phản ánh việc xe buýt bỏ trạm, không đón khách chiếm 23,9%; văn hóa ứng xử của tài xế, phụ xe chiếm trên 19%...

Thạc sỹ Phạm Thị Phương Loan còn cho rằng, lý do khiến người dân ngại đi xe buýt đó là nhiều người không thể đi bộ dễ dàng trên vỉa hè từ nhà ra trạm dừng xe buýt và ngược lại. Những tồn tại này nếu không được khẩn trương xử lý rốt ráo, xe buýt sẽ không thể thu hút khách đi xe ngay cả khi đã có thời cơ thuận lợi như hiện nay. Khi đó, tình trạng lãng phí khi số ghế trống khách trên từng đoạn và suốt chặng của khoảng 20 ngàn chuyến xe buýt xuôi ngược hàng ngày cộng lại ước tính sẽ lên tới con số khoảng 700 triệu chỗ trống khách, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vẫn chưa thể khắc phục

Đức Thắng
.
.
.