Trang thiết bị PCCC của Hà Nội: Vừa thiếu vừa lạc hậu

Thứ Bảy, 08/06/2013, 22:28
Từ vụ cháy tòa nhà Điện lực 33 tầng xảy ra hồi cuối năm 2011 đến sự cố hỏa hoạn ởcây xăng phố Trần Hưng Đạo ngày 3/6 vừa qua đã cho thấy rất rõ những hạn chế của phương tiện chống “giặc lửa” của Hà Nội.

Nếu như có thiết bị chuyên dụng trong chữa cháy xăng dầu, thì sự cố hỏa hoạn ở cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo ngày 3/6 vừa qua không phải đợi đến 6h sau mới được khống chế. Nếu được trang bị thiết bị bảo hộ đầy đủ, thì rất ít khả năng 9 chiến sỹ Cảnh sát PCCC phải nhập viện... Tìm hiểu, chúng tôi càng thấy rõ trang thiết bị PCCC của Hà Nội không chỉ cũ kỹ, lạc hậu mà còn rất thiếu...

* Thang của xe cứu hỏa chỉ vươn tới tầng 17.

* Quần áo cứu hỏa dùng cả loại... thải của nước bạn.

Ngay sau khi vụ cháy tòa nhà Điện lực 33 tầng xảy ra hồi cuối năm 2011 đã bộc lộ rất rõ những hạn chế của phương tiện chống “giặc lửa” của Hà Nội. Tòa nhà cao 33 tầng nhưng xe thang của Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ vươn tới tầng 17. Thế nên, việc dập lửa vô cùng khó khăn.

Theo dõi diễn tiến vụ cháy, nhiều người vô cùng hoang mang trước tính mạng của những người đang mắc kẹt trong tòa nhà mới xây vô cùng hiện đại này. Đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo sau đó đã đề cập đến việc mua trực thăng chữa cháy. Rõ ràng, nếu có trực thăng thì việc cứu người mắc kẹt, dập lửa sẽ nhanh hơn. Khi đó, những thiệt hại về người và của cũng hạn chế đi rất nhiều.

Bẵng đi chừng 2 năm, vấn đề “đầu tư” trực thăng cứu hỏa cho Hà Nội lại được nhắc lại. Việc này được đưa ra trong cuộc thảo luận về Luật PCCC ngày 28-5 của các đại biểu Quốc hội. Trong khi người dân đang chờ chiếc trực thăng cứu hỏa đầu tiên “đặt chân” đến Thủ đô thì đầu tháng 6 lại xảy ra vụ hỏa hoạn ở cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo. Và trong mấy ngày sau đó, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, nhỏ...

Điều này càng khiến dư luận quan tâm đến “năng lực” của trang thiết bị PCCC. Theo dõi diễn tiến của vụ cháy cây xăng, nhiều người sững sờ khi thấy không ít chiến sỹ Cảnh sát PCCC diệt “giặc lửa” trong bộ trang phục Cảnh sát hoặc trên người chỉ là bộ quần áo bảo hộ... lao động.

Phát biểu của đồng chí Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tại buổi giao ban của Thành ủy Hà Nội mới đây rằng, lực lượng này chỉ có 50 bộ quần áo PCCC đủ tiêu chuẩn lại càng khiến người ta ngạc nhiên. Với số lượng quần áo đạt chuẩn “khiêm tốn” như vậy mà phân bổ cho 10 phòng nghiệp vụ đóng rải rác trên địa bàn 29 quận, huyện thì quả là quá... hẻo.

Rất ít chiến sỹ Cảnh sát PCCC trong vụ cháy cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ.

Ngày 7/6, trao đổi với Trung tá Lê Xuân Hội, Đội trưởng Đội Vật tư phương tiện, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, chúng tôi được biết, ngoài 50 bộ quần áo “xịn” mà đồng chí Giám đốc Sở nêu (những bộ quần áo này được trang bị cả thiết bị dưỡng khí), còn có khoảng 100 bộ “cọc cạch” có từ thời “cổ” (loại này hiện nay thế giới không còn dùng)?!

Trung tá Lê Xuân Hội còn cho biết, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội với 10 phòng trực thuộc nằm rải rác tại 29 quận, thị xã, huyện trên địa bàn nhưng chỉ có 64 xe ôtô chữa cháy (loại xe có téc đựng nước), 12 xe téc nước chữa cháy, 10 xe trạm bơm (xe không có téc đựng nước), 8 ôtô cứu hộ - cứu nạn và 13 xe thang (5 xe thang 52m và 8 xe thang 32m).

So với yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhất là liên quan đến công tác PCCC tại các điểm kinh doanh xăng dầu, rất cần phải có các loại xe chữa cháy chuyên dụng công nghệ cao – tức loại xe chuyên chở foom bọt để tạo bọt nhanh chóng ngay tại hiện trường xảy ra hỏa hoạn.

Cũng theo Trung tá Lê Xuân Hội, thời gian qua, trước những vụ cháy xảy ra vào ban đêm cũng đặt ra vấn đề phải trang bị thêm cho lực lượng Cảnh sát PCCC loại xe đặc dụng – xe thông tin ánh sáng. Bởi, vào ban đêm, việc có thêm nguồn sáng bên ngoài quanh điểm xảy hỏa hoạn là một trong những yếu tố giúp lực lượng chữa cháy tham gia ứng cứu, dập tắt ngọn lửa một cách nhanh nhất. Và xe thông tin ánh sáng ngoài tính năng chiếu sáng còn ghi hình, truyền dẫn thông tin, nhiệt độ tại hiện trường cháy về trung tâm chỉ huy... Việc này hỗ trợ đắc lực trong chỉ đạo kịp PCCC, cứu hộ.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội vẫn dùng những loại xe cứu hỏa có từ thời bao cấp hay loại xe thải loại được một số nước bạn “chuyển tay lái” từ chục năm nay. Những chiếc xe cứu hỏa được trang bị mới nhất có trong danh sách phương tiện của Sở này được mua từ năm 2011. Rất may, đầu năm 2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án mua trang thiết bị PCCC và cứu hộ cứu nạn.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ được trang bị thêm các thiết bị để làm tốt hơn nữa công tác diệt “giặc lửa”.

Sửa xe cứu hỏa có thang cao 52m được đầu tư năm 1997 bị hỏng hóc tốn... 3 tỷ đồng.

Năm 1997, lần đầu tiên Hà Nội được trang bị xe thang PCCC cao 52m. Chiếc xe này có xuất xứ từ Đức. Hiện nay, chiếc xe này đang bị hỏng. Sau khi mời chuyên gia ở Đức đến “khám bệnh”, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận được kết luận, muốn sửa chữa được phải đưa sang Đức. Tổng số tiền “khám chữa bệnh” khoảng 3 tỷ đồng. Trước số tiền quá “khủng” này, chiếc xe thang cao 52m đầu tiên được đầu tư cho Cảnh sát PCCC Hà Nội vẫn đang... đắp chiếu.

Hà Nội sẽ trang bị xe thang cao 56m

UBND TP Hà Nội mới đây có quyết định phê duyệt dự án đầu tư phương tiện PCCC và cứu hộ cứu nạn. Theo đó, thành phố sẽ đầu tư: 2 xe thang 56m; 2 xe thông tin ánh sáng; 10 bộ thiết bị công nghệ cứu hỏa nhà cao tầng; 5 thiết bị dò tìm; 10 bộ thiết bị phá dỡ; 200 bộ lọc độc; 10 máy nén khí và một số xe ôtô cứu hỏa.

Trực thăng cứu hỏa và những cái... vướng

Để đưa trực thăng cứu hỏa vào sử dụng, cần phải xin phép cơ quan quản lý không lưu (mỗi lần cất cánh phải được phép của Bộ Quốc phòng); phi công; sân bay...

PV ghi

Cao Hồng – Trần Huy
.
.
.