Trắng tay sau hai lần xuất khẩu lao động sang Macau

Chủ Nhật, 01/09/2013, 01:00
Hai lần sang Macau với nguyện vọng xuất khẩu lao động (XKLĐ), cả hai lần anh Nguyễn Minh Thành, 27 tuổi, ở xóm 5, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đều trở về sau một khoảng thời gian hơn 30 ngày nghỉ ngơi, ăn chơi tại chỗ. Món tiền 2.700 USD chi phí đi XKLĐ cũng ngót dần theo những ngày anh ăn chực nằm chờ nơi đất khách. Về Việt Nam, dù đã làm thanh lý hợp đồng với đơn vị đưa đi XKLĐ, nhưng anh Thành vẫn tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết, hỗ trợ tiền. Lý do, bởi số tiền anh bỏ ra khá lớn mà không thu về được đồng nào…

Đi xuất khẩu lao động bằng visa du lịch

Trong các số báo trước, Báo CAND đã phản ánh tình trạng cá nhân lợi dụng danh nghĩa của công ty hoạt động dịch vụ XKLĐ để đưa người đi làm việc tại Macau bằng visa du lịch, nhưng đều không tìm được việc làm, đẩy người lao động phải về nước và đến khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người lao động mới lấy lại được một phần, trong tổng số 3.200 USD đã nộp trước khi đi. Quá trình tìm hiểu nội dung sự việc, chúng tôi nhận thấy có sự bất hợp lý trong quá trình thực hiện các thủ tục đưa người đi XKLĐ ở một số thị trường, trong đó có thị trường Macau.

Trong lá đơn gửi tới Báo CAND, anh Nguyễn Minh Thành cho biết, cuối năm 2012, anh tìm đến Chi nhánh XKLĐ Vinamotor ở 609 Trương Định, Hà Nội tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Theo học được một tháng, anh thấy học tiếng Nhật nằm ngoài khả năng của mình và thời gian chờ đợi cũng lâu nên đã xin chuyển nguyện vọng sang XKLĐ tại thị trường Macau với công việc lao động tại nhà hàng, khách sạn.

Đại diện Chi nhánh XKLĐ Vinamotor làm việc với phóng viên Báo CAND.

Tổng chi phí cho chuyến đi XKLĐ là 2.700USD. Sau khóa học tiếng Quảng Đông, anh Thành được làm visa du lịch sang Macau. Ngày 6/4 anh đặt chân lên đất Macau và được một người có tên là Trần Thị Nữ đón về nhà tại Macau và đưa đi tìm việc. Sau 14 ngày không tìm được việc, thời hạn cấp visa đã hết, anh Thành buộc phải trở về Việt Nam mang theo lời hứa của bà Nữ là sẽ tìm việc và đưa anh trở lại Macau.

Sau một tháng chờ đợi, ngày 6/6, anh Thành được đưa trở lại Macau nhưng vẫn chưa có việc. Sắp hết 14 ngày cư trú hợp pháp tại đây, anh được bà Nữ đưa đi tuyển đơn hàng phục vụ ở khách sạn và đã trúng tuyển. Tuy nhiên, mức lương không đúng với hợp đồng. Theo hợp đồng anh Thành đã ký với Chi nhánh XKLĐ Vinamotor, mức lương cơ bản là 6.000 tiền Macau/tháng. Nhưng mức lương tại đây chỉ là 5.000/tháng (tương đương khoảng 13 triệu đồng Việt Nam). Ngoài ra, anh Thành phải tự trả tiền thuê nhà, được nuôi ăn một bữa.

Theo phản ánh của anh Thành, dù không đúng với hợp đồng đã ký, nhưng anh chấp nhận làm để trả món nợ đã vay làm thủ tục XKLĐ. Thế nhưng, sau 5 ngày thử việc, bà Nữ yêu cầu anh Thành đi làm thẻ cư trú và đóng thêm 15.000 tiền Macau (tương đương 39 triệu đồng Việt Nam). Anh Thành không đồng ý và trở về Việt Nam ngày 28/6.

Trở về, anh Thành đã đến Chi nhánh XKLĐ Vinamotor để làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Ngày 23/7, chị Phạm Thị Minh Hương, cán bộ thị trường Macau làm việc với anh Thành và thanh lý hợp đồng với lý do "từ chối công việc" và nhận khoản tiền hỗ trợ ban đầu là 4,2 triệu đồng.

Người lao động đã được giải quyết chế độ

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo CAND ngày 27/8, ông Đoàn Mạnh Cường, Giám đốc Chi nhánh XKLĐ Vinamotor thừa nhận việc đưa lao động đi Macau bằng visa du lịch là có thật. Lý do là vì giữa Việt NamMacau chưa ký kết Hiệp định thương mại. Khi đơn vị ký hợp đồng với người lao động thì phải làm hai visa đi Trung Quốc và Macau. Chi phí ăn ở trong thời gian chờ việc do người lao động tự chịu.

Sau khi đã tìm được việc tại Macau, người lao động sẽ được ký hợp đồng một năm. Tại thị trường lao động này, Chi nhánh XKLĐ Vinamotor phải làm việc thông qua công ty môi giới là Công ty Trác Đạt. Bà Nguyễn Thị Nữ là người của công ty này. Đối với trường hợp cụ thể của anh Nguyễn Minh Thành, chị Phạm Thị Minh Hương, cán bộ thị trường Chi nhánh XKLĐ Vinamotor cho biết, lý do anh Thành trở về lần thứ nhất là do anh có thái độ không hợp tác nên chủ sử dụng không đồng ý ký hợp đồng. Lần thứ hai anh Thành trở lại Macau là công ty tự đưa sang, hoàn toàn không tính phí.

Khác với các trường hợp mà Báo CAND đã nêu, trường hợp của anh Thành được Vinamotor ký hợp đồng trong nước, bởi đơn vị này đã có hợp đồng thẩm định đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH. Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Đoàn Mạnh Cường nêu quan điểm giải quyết trên tinh thần không để người lao động thiệt thòi, ông Cường khẳng định: "Công ty sẽ gặp trực tiếp anh Thành, thỏa thuận hỗ trợ một mức nào đó hợp lý". Ngày 29/8, anh Nguyễn Minh Thành đã được Chi nhánh XKLĐ Vinamotor giải quyết, hỗ trợ số tiền 17,7 triệu đồng. Trên tinh thần chia sẻ rủi ro, anh Thành đã đồng ý với cách giải quyết của công ty.

Vụ việc xảy ra giữa Chi nhánh XKLĐ Vinamotor với người lao động là bài học cần rút kinh nghiệm cho cả hai phía. Người lao động cần phải chuẩn bị các kiến thức cần thiết cũng như tìm hiểu kỹ thị trường định đi làm việc ở nước ngoài. Đối với công ty dịch vụ XKLĐ trong nước cần tăng cường công tác đào tạo, giáo dục định hướng, đặc biệt là cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường, nhất là đối với thị trường Macau, khi giữa Chính phủ Việt Nam và Macau chưa có hiệp định hợp tác về lao động. Việc hợp tác với môi giới nước ngoài cần có sự kiểm soát và ràng buộc, tránh tình trạng môi giới "ôm đồm" nhiều lao động, và không tìm đủ việc theo như thỏa thuận mà công ty dịch vụ trong nước đã ký kết với người lao động

Việt Hà - Thu Uyên
.
.
.