Trăn trở xã vùng biên Dân Hóa

Thứ Hai, 11/05/2015, 09:25
Trong cái nắng, nóng gió Lào khắc nghiệt nơi biên giới những ngày đầu hạ, chúng tôi về xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa - một xã miền núi phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, giáp biên giới với nước bạn Lào.

Đi dọc theo quốc lộ 12A, bao quanh một bên là núi, một bên là vực, sông suối, thi thoảng mới thấy một bản làng nằm chênh vênh bên triền núi với những mái nhà sàn nhấp nhô của đồng bào người Chứt, Khùa, Mày… Đi sâu vào từng bản ở Dân Hóa như bản K-Ai, K-Vàng, K-Định, K-Reng… mới thấy được cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều vất vả, gian nan...

Từ trung tâm xã bản Yleng đi dọc theo quốc lộ 12A gần 10km, đường hướng lên cửa khẩu Chalo, chúng tôi đến bản K-Ai, một bản giáp biên giới Việt – Lào. Đường vào bản dốc núi quanh co, nhiều chỗ trơn trượt. Bản K-Ai nằm chênh vênh trên dốc núi, cả bản có 72 hộ với 346 khẩu, người dân trong bản chủ yếu là người Mày, người Sách. Đến nhà ông Hồ Buôi, ngôi nhà nhỏ nằm ở cuối bản, căn nhà trống hua, trống hoác, trên mái nhà đôi chỗ lợp proximăng đã bị vỡ nhìn rõ cả trời mây. Nhà ông có 7 đứa con thì chỉ có mấy đứa nhỏ được đến lớp và có cháu được học hết lớp 5 là nghỉ. 

Cạnh đấy, hộ bà Hồ Thị Xeo cũng xơ xác không kém. Nhìn cảnh gia đình bà Xeo chúng tôi không khỏi ái ngại. Chồng bà mới mất, để lại cho bà 5 đứa con thơ, đứa lớn 12 tuổi, đứa bé nhất 2 tuổi và không cháu nào được đến lớp. Cả nhà 7 miệng ăn, chỉ có ít lúa nên không bao giờ đủ ăn, quanh năm bà đều vay mượn gạo bà con trong bản về độn củ rừng cho con ăn qua ngày. 

Lý giải cho việc các cháu không được đi học, ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản K-Ai cho rằng, K-Ai còn nghèo lắm, người K-Ai làm nương rẫy trên núi cao nên các em phải đi học rất xa. Điểm trường mẫu giáo và cấp I ở gần bản, nhiều cháu còn được đi học cho đến hết cấp, nhưng lên cấp II, trường cách xa hơn 10km, các cháu phải học bán trú nên phải nhà nào có điều kiện mới có thể cho con đến lớp. Còn đa phần các hộ trong bản đều là hộ nghèo, đến cái ăn còn không đủ nữa là duy trì việc học.

Công an xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa xuống bản gặp gỡ, trao đổi với dân về an ninh trật tự.

Đây không chỉ là nỗi niềm trăn trở của người trưởng bản, mà còn là nỗi lòng của thầy cô giáo nơi đại ngàn dãy núi Trường Sơn với học trò của mình. Thầy Đinh Thanh Lịch - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bãi Dinh cho biết: Trường có 260 học sinh, 21 lớp học, nhưng hiện nay mới có 16 phòng học với 35 giáo viên dạy ở 5 điểm, trong đó điểm Chalo là xa nhất, mỗi điểm trường cách nhau từ 3-10km đi lại khó khăn. Giáo viên thường xuyên đến nhà vận động bố mẹ cho các cháu đi học. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là một vấn đề khó khăn với giáo viên ở đây. Ngoài việc dạy các cháu học, cô giáo còn phải học tiếng Mày, Sách, Khùa… để truyền dạy kiến thức cho các cháu hiểu bài thêm.

Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Dân Hóa, chia sẻ: Trường chính nằm trên địa bàn bản YLeng dọc quốc lộ 12A và 4 điểm trường nằm trải dọc quốc lộ 12A và vào sâu trong các bản K-Định, Hà Nôông,... ở đây việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Toàn trường có 446 học sinh, trong đó học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 97%, tỷ lệ học sinh nằm trong diện hộ nghèo chiếm 87%, với 48 thầy cô giáo, trong đó chỉ có 2 thầy cô là người địa phương, còn lại ở dưới xuôi lên cắm bản.

Trăn trở với con chữ vùng cao, thầy Sơn tâm sự: Học sinh ở đây đi học khá vất vả, lên cấp II các em phải ra trường chính học ở Yleng nên những em ở bản Chalo và K-Ai đi học gần 20km, vì thế mà nhiều em đã nghỉ học. Riêng ở điểm trường trung tâm, nơi có 308 em học sinh thì đã có đến 181 em có nhu cầu ở bán trú. Đây là một vấn đề nan giải đối với thầy cô giáo cắm bản. Thầy Sơn cho biết, nguyện vọng của thầy cô giáo là có cây cầu bắc qua đập K-Ai, có nhà ở cho giáo viên cắm bản. Và điều mong muốn lớn nhất của thầy cô là có nhà ở nội trú cho các em ở xa, có điều kiện học tập tốt hơn.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hồ Tuân, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: Dân Hóa có hơn 800 hộ với gần 4.000 dân sinh sống tập trung tại 13 bản ở đây đa số là người dân tộc thiểu số như Mày, Khùa, Sách, Chứt, Kinh… sống tập trung theo từng bản nằm dọc quốc lộ 12A toàn núi dốc, đi lại với nhau rất khó khăn, số hộ nghèo trong xã trên 89,97%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ có chương trình 135, 167, 30A của Chính phủ hỗ trợ, cuộc sống của người dân nơi đây vơi bớt phần nào khó khăn. Nhận thức và đời sống của người dân nâng lên rất nhiều, nhất là việc học chữ của con em trong bản. Nhiều hộ gia đình nhờ nguồn vốn vay đã đầu tư vào chăn nuôi lợn, dê và trồng rừng nên đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Hiện nay, giải pháp để Dân Hóa phát triển là đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng trường lớp cho học sinh và tăng cường phát triển kinh tế cho các hộ gia đình như trồng rừng, chăn nuôi. Một số bản đã phát triển rất tốt mô hình này như bản Yleng, bản Bãi Dinh, trong đó có hộ bà Hồ Thị Phoong ở Yleng, bà Cao Thị Hương ở K-Vàng, 1 năm nuôi được 2 lứa lợn, dê, gà, đem lại thu nhập ổn định, con cái được đi học.

Rời Dân Hóa trong buổi chiều muộn, chúng tôi đều hy vọng rằng, trong thời gian không xa, Dân Hóa sẽ thoát nghèo, đời sống bà con ngày một ổn định với những dự án phát triển kinh tế; học sinh không còn phải bỏ học, cái chữ sẽ giúp các em thoát nghèo, đem lại sự đổi thay cho vùng đất gian khó.

Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: Bộ đội Biên phòng đang thực hiện dự án ruộng lúa nước bản K-Ai và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 2 bản K-Ai và K-Vàng, dự án đã đưa vào sản xuất vụ hè thu 2014. Từ đó để người dân thấy được lợi ích của việc sống và sản xuất tập trung gần bản, bỏ tập quán du canh, du cư.
Lưu Hiệp
.
.
.