Trạm xử lý nước thải nhuộm đen sông Cẩm Lệ

Thứ Sáu, 14/05/2010, 10:06
Ngày cũng như đêm, nước thải từ Trạm Hòa Cường chảy ra sông đen ngòm. Sáng sáng, thấy bọt trắng như xà phòng tuôn ra nhiều là ít hôi, nhưng sau đó bọt giảm dần, trời càng nắng gắt thì mùi hôi thối càng nặng.

Trạm xử lý nước thải Hòa Cường được xây dựng từ năm 2002 và đưa vào vận hành từ tháng 12/2007, thu gom nước thải sinh hoạt của cả quận Hải Châu (Đà Nẵng) về xử lý đạt chất lượng tiêu chuẩn và khử mùi hôi trước khi xả ra sông Cẩm Lệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày cũng như đêm, nước thải từ Trạm xử lý nước thải chảy ra nhuộm đen cả một khúc sông Cẩm Lệ và bốc mùi hôi thối.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi được những công nhân đang thi công cầu Hòa Xuân cho hay, ngày cũng như đêm, nước thải chảy ra sông đen ngòm. Sáng sáng, thấy bọt trắng như xà phòng tuôn ra nhiều là ít hôi, nhưng sau đó bọt giảm dần, trời càng nắng gắt thì mùi hôi thối càng nặng.

Một lão ngư làm nghề sông nước mà chúng tôi gặp tại Bến đò Xu cho biết: "Không hiểu vì sao cách đây hơn một tháng, nước thải chảy ra lại đen ngòm như vậy".

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) thừa nhận, Trạm xử lý nước thải Hòa Cường (trạm xử lý nước thải lớn nhất so với 3 trạm còn lại) chảy ra sông Cẩm Lệ đạt chuẩn B, nhưng về mùi thì chưa chấp nhận được. Để giảm bớt mùi hôi, cách đây hơn một tháng, một công ty đã dùng chất hóa học FeCl3 để xử lý, mùi hôi giảm đáng kể nhưng màu nước chảy ra lại đen ngòm không chấp nhận được.

Chúng tôi đã yêu cầu dừng dùng hóa chất FeCl3 và chuyển sang xử lý bằng hoạt chất LTH (chế phẩm xúc tác tăng nhanh quá trình chuyển hóa) cho màu nước cũng chấp nhận được (chuẩn B). Nhưng đây chỉ là giải pháp xử lý tạm thời. Về lâu dài, các ngành chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai nâng cấp công nghệ xử lý nước thải bậc 2 cho Trạm xử lý nước thải Hòa Cường (thuộc dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên).

Được biết, Trạm xử lý nước thải Hòa Cường có công suất lớn nhưng vùng đệm (cây xanh) khá hẹp, gây mùi hôi ra xung quanh, nhiều hộ dân sống lân cận đã phải di dời. 

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cũng cần sớm phối hợp giảm thiểu màu đen, mùi hôi và bọt khí tại nơi nước thải chảy ra sông Cẩm Lệ, ngay dưới chân cầu Hòa Xuân, bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, nhất là sau khi cầu Hòa Xuân được khánh thành, đưa vào sử dụng

Viết Nam
.
.
.