Trăm thứ lạ trong phổi bệnh nhân

Thứ Năm, 17/07/2008, 19:26
BS Lê Vân Anh, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đa số là các bệnh nhân bị rơi xương và hạt hồng xiêm xuống phổi. Khi ăn uống, thói quen nói chuyện hay cười trong lúc nhai khiến nắp cuống họng xuống phổi không đóng kịp nên rất dễ bị rơi vào phổi.

Một sáng thức giấc, chị Tâm không còn thấy chiếc răng giả bằng vàng của mình nằm trong miệng nữa. Chị tìm khắp trên giường dưới đất cũng không ra. Nghĩ bụng, hay là cái răng đã bị chị vô ý nuốt vào bụng trong khi ngủ...

Ca đặc biệt

Chị N.Tâm (Nghệ An) làm nghề giáo viên. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chị đã theo dõi kỹ lưỡng khâu "giải quyết hậu quả" nhưng cũng không tìm thấy chiếc răng đâu. Những tưởng mất là xong. Nhiều ngày sau, chị Tâm bị những cơn ho kéo dài và tức ngực. Chị đã đi khám nhiều nơi tại Nghệ An nhưng cũng không phát hiện ra nguyên nhân, bệnh kéo dài và ngày càng ho nhiều hơn.

Đầu tháng 5/2008, chị Tâm tìm đến khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra. Các bác sĩ tại đây xác định chị có dị vật trong phổi, cần phải gắp ra mới chấm dứt được tình trạng ho chị đang mắc phải. Lúc này, chị Tâm mới biết chắc chắn chiếc răng vàng "thất lạc" ở đâu. 

Hành trình để lấy được chiếc răng nằm trong phổi của chị Tâm cũng không hề đơn giản. Với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ có thể nhìn tận mắt dị vật. Tuy nhiên, để đưa nó ra khỏi phổi bệnh nhân và không làm tổn thương bất kỳ vùng phổi nào là một vấn đề. Đã có lúc, chiếc giường phẫu thuật được nâng lên vặn nghiêng và thậm chí dốc ngược để chiếc răng trôi ra dễ dàng hơn. 

Gai mây, xương, hạt hồng xiêm và răng giả đã lấy từ phổi của bệnh nhân.

BS Lê Vân Anh, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trường hợp của chị Tâm chỉ là một trong rất nhiều ca đặc biệt. Đa số là các bệnh nhân bị rơi xương và hạt hồng xiêm xuống phổi. Khi ăn uống, thói quen nói chuyện hay cười trong lúc nhai khiến nắp cuống họng xuống phổi không đóng kịp nên rất dễ bị rơi vào phổi.

Thông thường, bệnh nhân không phát hiện ra và kể cả ở một số bệnh viện địa phương chưa được trang bị nhiều thiết bị cũng khó chẩn đoán được nguyên nhân, chưa nói đến việc gắp dị vật ra. Nên đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có những trường hợp bệnh nhân bị mắc dị vật trong phổi trên chục năm, cũng là ngần đấy năm họ phải chung sống với bệnh ho dai dẳng.

Xương gà 18 năm trong phổi

Ông Vũ Văn Thắng (Hà Nội) lặn lội khám chữa bệnh trên hầu hết các bệnh viện lớn tại Hà Nội như: Bệnh viện Lao Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Xanh - pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn. Nhưng ông đã có lúc bi quan và chán nản với kết luận: "Ho nhiều, viêm phế quản co thắt dẫn đến ho hen". Bệnh không thể điều trị tận gốc và ho kéo dài khiến tinh thần và sức khỏe của ông giảm sút.

Ông Thắng kể lại: May mắn trong một lần đưa vợ đi điều trị, tôi gặp BS Giáp tại Khoa Hô hấp, Bệnh viên Bạch Mai. Sau khi xem phim chụp phổi, BS Giáp kết luận trong phổi của tôi có dị vật chứ không phải như kết luận "cuống phổi phải bị vôi hóa" của Trung tâm chuẩn đoán hình ảnh ở phố Thái Hà.

BS Giáp cũng hỏi tôi có bị hóc xương hay bị sặc gì không. Lúc này tôi mới nhớ tới lần hóc xương cách đây 18 năm. Tôi ăn mỳ với chân gà hầm bị dắt sợi mỳ ở cuống họng. Cả nhà tìm mọi cách đều không chữa được, mệt nên tôi đi ngủ. Khi tỉnh dậy thì hết bị hóc nhưng kể từ đó tôi bị ho liên tiếp mỗi khi thời tiết thay đổi, nhiều lúc ho đến tắc thở. Ngày 24/3/2008, các bác sĩ tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai đã lấy ra chiếc xương chân gà "nằm ngang nhiên" trong cuống phổi của tôi gần 20 năm.

BS Đỗ Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai giới thiệu những dị vật đã được lấy ra từ phổi của các bệnh nhân: gai mây, xương, răng giả và cả những hạt hồng xiêm đã nảy mầm. BS Đô khuyến cáo: Khi ăn uống nên thận trọng, chú tâm tránh hóc và sặc có thể khiến những dị vật rơi vào phổi. Hậu quả người bệnh có thể sẽ bị ho kéo dài, gây sa sút cả sức khoẻ, tinh thần và vật chất

Theo Khoa học & Đời sống
.
.
.