Trạm dừng chân hoành tráng nhưng vắng như chùa Bà Đanh

Thứ Sáu, 11/09/2009, 16:20
Dù được đầu tư xây dựng quy mô, hiện đại hơn hẳn những quán ăn tư nhân nhưng các trạm dừng nghỉ đường bộ sau khi đưa vào khai thác đều chưa thu hút được lái xe và hành khách vào sử dụng các dịch vụ. Vậy làm gì để phát huy hiệu quả của mô hình dịch vụ công này.

Trạm hoành tráng nhưng vắng khách

Tháng 2/2009, trạm dừng nghỉ đường bộ Hòa Bình tại Km 102+400 (QL6), thuộc địa phận thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng diện tích hơn 5.000m2; trong đó có tới 560m2 công trình dịch vụ công gồm 1 phòng nghỉ ngơi thư giãn, hai dãy nhà vệ sinh, 1 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sản của địa phương...

Với cơ ngơi này, trạm dừng nghỉ cùng lúc có thể đáp ứng được cho hàng trăm lượt hành khách nghỉ ngơi, ăn uống. Ngoài phần xây dựng các công trình phục vụ hành khách và lái, phụ xe, diện tích còn lại đều được bố trí làm nơi đậu đỗ xe và bồn hoa, cây cảnh nên rất thông thoáng.

Tương tự là Trạm dừng nghỉ Ninh Bình, tại Km 267 (QL1A), thuộc phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Trạm nghỉ này được xây dựng trên tổng diện tích 7.000m2 và gắn liền với bến xe phía Nam của địa phương sẽ được xây dựng sau này.

Trung tuần tháng 5/2009, Trạm dừng nghỉ Song Khê, tại Km 120 (QL1A), thuộc xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích 5.000m2 cũng được đưa vào kinh doanh khai thác.

Trạm nghỉ Hòa Bình luôn trong tình trạng vắng khách.

Trạm nghỉ hoành tráng, quy mô là vậy, thế nhưng hiệu quả lại không như mong đợi của các nhà đầu tư. Số liệu thống kê của Trạm dừng nghỉ Ninh Bình, từ khi khai trương (tháng 3/2009) đến tháng 6/2009, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 3 lượt xe và 20 hành khách vào trạm nghỉ. Doanh thu trong hơn 3 tháng đầu, bình quân chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Cùng cảnh ngộ, theo số liệu báo cáo của Trạm dừng nghỉ Song Khê, trong tháng 5/2009 chỉ đón khoảng 900 người với khoảng 220 lượt phương tiện các loại vào trạm. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Ngọc Khương - Trạm phó Trạm dừng nghỉ Song Khê, hầu hết hành khách nói trên chỉ vào đây tham quan và đi vệ sinh sau khi đã ăn uống tại nhà hàng bên cạnh.

"Thỉnh thoảng mới có một vài lượt xe ôtô mang BKS của tỉnh Hòa Bình hoặc Ninh Bình tạt vào "ngó nghiêng" rồi vội vàng bỏ đi", anh Khương cho biết.

Được biết, từ khi hoạt động đến nay, tổng số tiền thu về từ hoạt động dịch vụ của trạm nghỉ không vượt quá 10 triệu đồng. Số tiền này không đủ để chi trả tiền điện, nước duy trì hoạt động của trạm trong một tháng.

Đẩy mạnh tuyên truyền đi đôi nâng cao chất lượng phục vụ

Trên thực tế, tổng kinh phí xây dựng mỗi trạm dừng nghỉ trên xấp xỉ gần 10 tỷ đồng; trong đó phía Chính phủ Nhật Bản viện trợ (không hoàn lại) 250.000 USD/trạm, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Bên canh đó, trước khi đưa các trạm dừng nghỉ đường bộ vào khai thác, sử dụng, JICA còn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn rất kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của trạm dừng nghỉ.     

Thế nhưng, dù đã qua gần 6 tháng đưa vào khai thác sử dụng Trạm dừng nghỉ Hòa Bình vẫn chưa mở được đường đấu nối vào quốc lộ. Nguyên nhân bởi đơn vị quản lý, khai thác trạm nghỉ chưa có phương án bảo đảm ATGT.

Cũng tại Trạm dừng nghỉ này, theo thiết kế của JICA, tại hai đầu trạm nghỉ (trên QL6) có hạng mục xây dựng biển báo, biển chỉ dẫn trạm dừng nghỉ để lái, phụ xe và hành khách nhận biết nhưng đến giờ vẫn chưa được thực hiện.

Còn Trạm dừng nghỉ Ninh Bình, sau gần nửa năm đưa vào khai thác, sử dụng, cổng chính vẫn chưa được mở vì một số hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho dự án, tạo nên những bất cập không đáng có, khiến cho nhiều hành khách cảm thấy không thoải mái.

Ngoài việc bất cập về cơ sở hạ tầng, không thể phủ nhận hành khách và lái, phụ xe hiện nay chưa có thói quen vào sử dụng các dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ do Nhà nước đầu tư xây dựng. Bởi mô hình này mới chỉ mới xuất hiện ở nước ta trong thời gian gần đây.

Cũng rất khó để yêu cầu các trạm dừng nghỉ phải "hút" khách ngay, khi mới đưa vào khai thác, sử dụng.

Ông Đặng Văn Miều, Phó Giám đốc Xí nghiệp bến xe Ninh Bình thừa nhận, công tác quảng bá, tuyên truyền về trạm dừng nghỉ hiện vẫn rất hạn chế, dẫn đến chưa thu hút được nhiều xe cùng hành khách vào sử dụng dịch vụ. Do đó, đơn vị vẫn phải bù lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Bàn đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: Chủ trương xây dựng các trạm dừng nghỉ đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, để khai thác tốt cơ sở hạ tầng này thì các doanh nghiệp, đơn vị được giao quản lý, khai thác cần phải phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, cung ứng các dịch vụ phục vụ hành khách và lái, phụ xe.

Trước mắt cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để hành khách và lái xe biết được những lợi ích, lợi thế khi vào trạm nghỉ đường bộ công ích. Trong trường hợp doanh nghiệp, đơn vị quản lý và khai thác trạm nghỉ đường bộ nào không hiệu quả, không đảm bảo đúng các chức năng hoặc sử dụng sai mục đích thì cần phải xem xét lại hợp đồng đã được ký

Nhóm PV
.
.
.