Vụ 'leo rào' tại Công viên nước Hồ Tây: Trách nhiệm chính thuộc về nhà tổ chức
Rất may, trong vụ chen lấn, xô đẩy, trèo rào trên không có thương vong về người. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tại đây xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy vì quá tải.
Ngày 20/4, công ty này đã có thư ngỏ cáo lỗi khách hàng, giải thích, do lượng khách đổ về Công viên nước quá đông, vượt quá sức chứa của Công viên nước, vì vậy để đảm bảo an toàn cho khách, Công viên nước buộc phải đóng cửa tạm thời từ 9-10h sáng 19/4. Do đó, nhiều khách mời và khách hàng đã không có chỗ gửi xe ngoài cổng Công viên nước Hồ Tây, hoặc không vào được Công viên nước sau 9h sáng, mà chỉ chơi được ở Công viên Mặt trời Mới với các trò chơi cảm giác mạnh ngoài trời và trò chơi trong nhà.
Trèo rào tắm miễn phí gây hỗn loạn Công viên nước. |
Trả lời một số báo chí ngày 20/4, lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây cho biết, số người leo rào vào Công viên chỉ là thiểu số. Và với sức chứa cực điểm chỉ lên đến 8.000 người, nhưng đến 9h sáng 19/4, đã có khoảng 15.000 người đổ về khu Công viên nước Hồ Tây dẫn đến tình trạng quá tải và xảy ra hiện tượng chen lấn, trèo rào nguy hiểm trên. Nhưng qua những bức ảnh do chính những người dân chứng kiến ghi lại thì số người trèo rào vào bên trong Công viên rất lớn.
Điều đáng ngạc nhiên là chính Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội – Haseco cũng đã khẳng định, dịp mở cửa hè năm 2014 cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Vậy tại sao đơn vị này không rút kinh nghiệm, vẫn để xảy ra tình trạng náo loạn, mất an toàn như vụ việc ngày 19/4?
Đáng ra, với trách nhiệm là đơn vị tổ chức sự kiện, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội – Haseco phải lường trước được sự việc, vì đây không phải lần đầu tiên xảy ra quá tải và chen lấn, phải tổ chức lực lượng đủ để hướng dẫn và đảm bảo an ninh tại Công viên. Thậm chí, nếu ước lượng người đổ về Công viên nước quá đông thì không nên mở cửa miễn phí để đảm bảo an toàn cho khách.