Tp.HCM: Những phức tạp từ nhà tạm bợ trên kênh rạch

Thứ Năm, 16/06/2005, 07:29

Tp. Hồ Chí Minh hiện đang tồn tại hàng chục ngàn căn nhà lấn chiếm, xây cất trái phép trên sông, kênh, rạch. Việc giải toả số nhà tạm khó khăn do chính quyền chưa chú ý đúng mức đến việc ổn định cuộc sống, hỗ trợ việc làm cho dân “tái định cư”.

Thực tế cho thấy, hầu hết các tuyến sông, rạch trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều bị lấn chiếm để xây cất nhà trái phép (dạng nhà chồ). Điển hình như quận Bình Thạnh, có 15/20 phường có các tuyến sông, kênh, rạch, đi qua với chiều dài khoảng 14.250m, nhưng phải "gánh" hơn 2.400 căn nhà xây cất trái phép.

Do phần lớn là dân nhập cư, nghề nghiệp không ổn định nên tình hình ANTT ở những khu vực này hết sức phức tạp. Nạn cờ bạc, rượu chè, hút sách, gây rối ANTT thường xuyên xảy ra.

Theo Thiếu tá Mai Văn Luông - Trưởng Công an phường Tân Tạo A (Bình Tân) thì những trường hợp dân tạm trú đến xây cất nhà trên kênh rạch ở địa bàn này đều bị buộc tháo dỡ hết. Vì vậy, tình trạng xây cất mới không còn, hầu hết các hộ dân sống ven kênh, rạch ở đây là dân thường trú. Nhưng cuộc sống "nổi" bám vào kênh, rạch, triền sông ở khắp các khu vực nội, ngoại thành luôn tiềm ẩn và chứa đựng nhiều phức tạp về ANTT.

Theo quy hoạch phát triển đô thị, thì việc giải tỏa nhà ở xập xệ ven các sông, kênh, rạch là việc phải làm. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp vi phạm và buộc phải tháo dỡ đã gặp rất nhiều phản ứng từ phía các hộ dân.

Ông Ngô Mạnh Chung - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) quận Bình Thạnh cho biết: "Trên địa bàn quận Bình Thạnh, số lượng xử lý, lấn chiếm kênh, rạch hơn 2.400 căn nhà thì đa phần là các nhà chồ tồn tại từ trước kê khai năm 1977 hoặc trước khi lập bản đồ 299, bản đồ không ảnh 1983. Vì vậy, nếu buộc tháo dỡ toàn bộ (không xác định thời gian) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các hộ dân sống lâu năm ở đây, cũng như các quyền lợi khác khi Nhà nước thực hiện giải tỏa, chỉnh trang hành lang sông, kênh, rạch.

Hiện nay, Đội QLTTĐT chỉ thực hiện cưỡng chế ngay đối với các trường hợp vi phạm mới, hoặc để đáp ứng việc triển khai các công trình của quận, thành phố".

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều quận, huyện trong công tác chuẩn bị giải tỏa, di dời. Hiện thành phố đang thực hiện việc di dời 10.000 căn trong giai đoạn 2001 - 2005 nhưng thời gian qua, việc thực hiện "tái định cư" cho các hộ dân trong diện giải tỏa rất khó khăn. Bởi vì, các hộ dân sống ven sông, kênh, rạch, phần lớn là lao động nghèo nên họ cần vốn làm ăn hơn là chỗ ở. Vì thế, nhiều hộ sau khi nhận tiền đền bù đã tự lo chỗ ở mới, hoặc sang lại nhà tái định cư cho người khác, và lại tiếp tục với cuộc sống… nhà tạm bợ

T.Hà
.
.
.