Tp.HCM: Lại một mùa hè... không nghỉ

Thứ Năm, 07/07/2005, 09:25

Không có nhiều hoạt động hè bổ ích, lý thú nên đa số các em học sinh tại Tp. Hồ Chí Minh, chọn cách nghỉ hè là... đi học. Ngày 1/7 năm nay được coi là ngày khai giảng cho một kỳ học mới: học hè.

Ngay từ cuối năm học 2004, các bậc phụ huynh đã được dặn dò kỹ thời gian đến trường để coi lịch học hè, mặc dù tất cả những lời dặn đó luôn được kèm theo câu: Học hè không bắt buộc, học sinh nào muốn học thì đăng ký. Nhưng cũng có không ít trường có những câu nhắc nhở thật đặc biệt: "Không bắt buộc nhưng em nào không học thì phải viết đơn trình bày lý do". Thêm nữa, dù  không đăng ký nhưng nếu các phụ huynh ghé qua trường sẽ thấy trong "danh sách học hè" đã có tên con em mình ở đó, nhiều trường đã đưa ra danh sách của cả lớp không chừa em nào.

Lý do chính đáng nhất để đưa con đi “học hè” là nhu cầu công việc không cho phép bố mẹ lúc nào cũng ở gần bên con và không phải ai cũng có điều kiện để gửi con cái về quê. Nắm được tâm lý đó, ngay vào cuối học kỳ II đã có rất nhiều nhân viên "tiếp thị" nhét tờ rơi quảng cáo tận tay các bậc phụ huynh ở nhiều địa điểm như: ngã 3, ngã 4, bùng binh nơi có đèn đỏ, trước cổng trường…

Tất cả các bậc phụ huynh đều tin rằng mình đang làm điều tốt cho con, nhưng ít ai thử nghĩ xem tại sao trên khắp thế giới người ta đều cho học sinh nghỉ hè hoặc nghỉ đông tuỳ từng nơi. Chắc chắn rằng trong đó những chuyên gia về giáo dục đã tính đến yếu tố sức khỏe, điều kiện phát triển, tiếp xúc môi trường.

Điều ngược đời là khi người lớn đang cố gắng giảm giờ làm việc từ 48 tiếng xuống còn 40 thậm chí phấn đấu chỉ còn 32 tiếng trong tuần, vậy mà đối với lũ trẻ dường như mọi việc hoàn toàn ngược lại, thời gian nghỉ ngơi của các em trong năm học đã bị "cắt xén", nay mùa hè cũng không còn được nghỉ nữa!

Cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu các bậc phụ huynh hay nhà trường mà thực sự nếu không đi học thì các em sẽ không biết làm gì với quỹ thời gian "khổng lồ" này? Một số rất ít các em trong kỳ nghỉ hè phải phụ giúp gia đình kiếm sống, còn đa số sẽ rất dễ bị cuốn vào những cám dỗ xung quanh, nhất là trò chơi Game nối mạng, chat… rất khó kiểm soát nhưng đang là niềm say mê của lứa tuổi học trò.

Nguồn kinh phí dành cho những hoạt động hè thì cực kỳ eo hẹp: 1.200đồng/học sinh/tháng. Bởi vậy có thể thấy, hầu hết ở các phường, xã, sinh hoạt của các em gần như không có. Những nhà văn hoá mới chỉ phục vụ cho một bộ phận các lớp năng khiếu được đào tạo theo kiểu "nuôi gà chọi" dành đi thi đấu hoặc những em thuộc gia đình khá giả, còn phần đông nhiều em không có điều kiện đến sinh hoạt tại nhà văn hoá… Nếu như mô hình trại hè Thanh Đa (Tp. Hồ Chí Minh) có ở khắp các địa phương chắc chắn sẽ thu hút không ít em tham gia

Huyền Nga
.
.
.