Tổng mức đền bù có thể lên 60 tỷ đồng cho đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu

Thứ Tư, 23/12/2009, 14:19

Dự án đầu tư đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có tổng mức đầu tư trên 642,3 tỷ đồng đã phải chậm lại do tắc mặt bằng bởi không xác định được nguồn gốc nhiều diện tích đất cũng như chờ điều chỉnh giá đền bù đất theo quy định mới.

Hàng trăm diện tích đất chưa xác định được nguồn gốc

Theo thiết kế, đoạn đường này có mặt cắt ngang 50m, nên phải thu hồi quỹ đất liên quan đến 450 hộ dân và năm cơ quan, đơn vị. Đến nay, các công việc kiểm đếm kê biên tài sản trên đất, đo vẽ xác định hiện trạng đất đai nhà cửa của các trường hợp trong diện đền bù đều cơ bản hoàn tất.

Dự kiến hết tháng 12/2009 phải hoàn tất việc giải phóng mặt bằng của 300 hộ dân, nhưng đến nay chỉ có thể hoàn thành hơn 4.500m2 mặt bằng thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Môi trường đô thị và một công ty bất động sản. Nguyên nhân theo Hội đồng đền bù quận Đống Đa, thì 50% diện tích đất trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc hồ Đầm Đôn trước đây giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Hào Nam quản lý, đã bị rất nhiều hộ dân tự san lấp, lấn chiếm, xây dựng, cơi nới nhà cửa.

Ông Bùi Ngọc Vinh - Trưởng phòng  thuộc Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội cho biết: Nghiên cứu đợt một đối với 70 hồ sơ đền bù, đã thấy 2/3 số hộ có diện tích đất sử dụng thực tế cao hơn nhiều so với diện tích ghi trong sổ đỏ. Nếu xét toàn bộ 450 hộ thì phần đông các hộ có đất được bồi thường nằm trong tình trạng này. Trong đó, rất nhiều hộ phần diện tích phụ trội so với con số ghi trong sổ đỏ lên đến hàng trăm m2. Chẳng hạn, hộ có sổ đỏ 120m2 nhưng diện tích sử dụng thực tế của họ là 210m2. Sổ đỏ lại chỉ ghi là đất trong chỉ giới quy hoạch chứ không xác định nguồn gốc đất đó có từ đâu.

Thực tế này khiến các cán bộ chức năng lúng túng trong việc xác định nguồn gốc đất, vì vậy cũng chưa thể áp giá đền bù để thu hồi mặt bằng được. Mặt khác, sau khi thành phố Hà Nội có thông tin sẽ điều chỉnh mức giá đất mới (khu vực này giá có thể tăng lên 10% - 15%), thì hầu hết các hộ dân chờ đợi áp dụng mức đền bù mới cho phù hợp với tình hình thị trường. Chính vì điều này, Hội đồng giải phóng mặt bằng quận quyết định tạm dừng áp giá chờ áp dụng theo quy định mới. Điều này đồng nghĩa với việc mặt bằng cho dự án phải chậm lại.

Mức đền bù vượt dự kiến, mặt bằng vẫn chậm

Theo dự kiến ban đầu, mức chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 527,2 tỷ đồng. Nhưng đến nay, chưa nói đến áp dụng quy định giá đất mới, theo cán bộ chuẩn bị mặt bằng thuộc Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội, khoản chi này có thể đến 60 tỷ đồng.

Để giải quyết tình trạng ách tắc mặt bằng liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất trên, Hội đồng đền bù, tái định cư quận Đống Đa vừa có tờ trình gửi UBND thành phố. Theo đó, có thể phân 300 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng thành ba nhóm, gồm: Các hộ dân có nhà đất thuộc phía đường Đê La Thành có diện tích đất cơi nới trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1989; các hộ thuộc khu Thịnh Hào về phía đường Đông Các tự cơi nới đất hồ từ năm 1959 đến 1989; và các hộ dân thuộc khối nhà tự quản được Công ty môi trường tự san lấp hồ và phân nhà đất cho cán bộ công nhân viên vào năm 1960. Căn cứ các giấy tờ xác thực, mới có cơ sở xác định nguồn gốc đất làm thủ tục đền bù.

Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc phần diện tích đất ngoài sổ đỏ của 300 trường hợp kể trên là không dễ dàng. Đã có bài học xác định sai nguồn gốc đất ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc. Chính vì thế, dư luận trông đợi việc xác định nguồn gốc đất một cách khách quan, công bằng, để dự án tiến triển tốt đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô

Nhóm phóng viên PL-BĐ
.
.
.