Tôn vinh 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu

Chủ Nhật, 14/06/2015, 10:22
Họ - những người dân rất đỗi bình thường: một anh thợ cắt tóc, một bác tài xe ôm, một chị nội trợ, một bạn sinh viên… nhưng việc làm của họ đã khiến chúng ta vô cùng cảm phục. Đó là hiến tặng cho đời sự sống mà không cần phải trả ơn, một việc làm mà không phải ai cũng có thể làm được như người xe ôm nghèo phải đi thuê trọ kiếm sống ở TP Hồ Chí Minh đã hiến máu tới gần 100 lần…
>>Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu

Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu năm nay (14/6), Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu nhân đạo và Viện Huyết học truyền máu TƯ (HH&TM) sẽ tôn vinh 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu toàn quốc.

Người xe ôm gần 100 lần hiến máu

Khó ai có thể tin nổi, anh tài xế xe ôm hằng ngày đứng đón khách miền Tây lên TP Hồ Chí Minh ở chân cầu vượt Nguyễn Văn Linh lại là người hiến máu nhiều nhất Việt Nam. Đó là anh Phùng Kim Lâm, 96 lần hiến máu nhân đạo. Thật tiếc là anh Lâm không có mặt tại Hà Nội để dự lễ  tôn vinh chỉ vì gần đến giờ làm thủ tục bay anh phát hiện mình mất ví đựng toàn bộ giấy tờ. Trò chuyện với anh qua điện thoại, anh tiếc nuối: “giá như có đôi cánh là tôi bay ra ngoài đó rồi. Ở trong này nhận được nhiều điện thoại, tôi nóng lòng lắm”. Rồi anh quyết tâm: “Khi nào tiết kiệm được tiền, nhất định tôi phải ra Hà Nội du lịch mới được”.

Một gia đình hiến máu, nghĩa cử thật cao đẹp.

Lý do gì mà một người chạy xe ôm, không nhà, neo đơn lại hiến máu tới 96 lần? “Không có mục đích gì cả. Tính tôi rất thương người, thấy ai khổ không chịu được, kiểu gì cũng phải giúp. Nếu có tiền tôi sẵn sàng cho, nhưng nghèo quá không có gì, chỉ có giọt máu là món quà tinh thần giúp cho người nghèo” – anh Lâm đã trả lời câu hỏi của tôi như vậy. Qua câu chuyện về cuộc đời anh, tôi càng hiểu hơn vì sao người tài xế tốt bụng này lại làm được điều phi thường đến như vậy…

Anh Lâm sinh năm 1962 tại tỉnh Đồng Nai. Năm 1968, trong một trận rải bom ác liệt của quân đội Mỹ, cả gia đình anh và họ hàng bên nội đã bị thiệt mạng trong hầm trú ẩn. Chỉ còn mình anh sống sót do lúc đó đang ở nhà ngoại tại TP Biên Hòa. Cú sốc thơ bé đó đã khiến anh luôn mang trong mình nỗi sợ hãi khi phải mất đi người thân. Lớn lên, anh đi bộ đội, ra quân về Đồng Nai làm thuê kiếm sống rồi trôi dạt lên TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống khó khăn khiến cho cuộc hôn nhân của anh sau 3 năm đã phải đổ vỡ. Cô con gái nhỏ ở với mẹ, còn anh sống cuộc đời độc thân từ đó đến nay. Năm 1988, khi phong trào hiến máu nhân đạo chưa ra đời thì anh đã tình nguyện cho máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu một ca bệnh hiểm nghèo. Do ngày đó chưa có ai hướng dẫn nên anh không biết, cứ đều đặn 1 tháng đến Bệnh viện Chợ Rẫy cho máu một lần. “Thế mà tôi khỏe re hà, không thấy sao hết”- anh hồ hởi khoe. Trong 2 năm, anh đã 24 lần hiến máu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc làm của anh khiến cho đồng chí Giám đốc Bệnh viện ngoài tặng bằng khen thì có lúc còn phải can: “hãy ngừng lại đã”.

Từ năm 1994, khi TP Hồ Chí Minh phát động phong trào hiến máu nhân đạo cho tới nay, anh Lâm đã 72 lần cho máu, nâng tổng số lên 96 lần hiến máu. Thuê trọ tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, ngày ngày chạy xe ôm kiếm sống, anh Lâm đã chứng kiến bao cảnh đời éo le ở quê lên thành phố còn khổ hơn mình và hễ có điều kiện, anh lại giúp đỡ họ về vật chất hoặc chạy xe không lấy tiền. Anh Lâm còn đăng ký tham gia đường dây máu nóng của Trung tâm Huyết học TP Hồ Chí Minh và nhiều lần hiến máu, vận động bạn bè hiến cho các ca mổ tim. Với tâm niệm: “máu không thể vay mượn được, mình nghèo thật nhưng tấm lòng không nghèo”, nên anh Lâm đã đăng ký hiến xác tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để khi qua đời còn có thể giúp cho y học nước nhà.

Nhân lên bao nghĩa cử cao đẹp

Sau 20 năm phát động, phong trào hiến máu nhân đạo ngày càng phát triển khi được hàng triệu tấm lòng vàng chia sẻ những giọt máu quý giá của mình cho người bệnh. Họ không chỉ hiến máu mà còn hiến máu nhiều lần, sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào người bệnh cần máu và vận động người thân tham gia hiến máu. Khi tìm hiểu về cuộc sống của họ, chúng tôi vô cùng cảm phục lòng nhân ái, sự sẻ chia, biết sống vì người khác vô cùng cao cả mà họ đã trao tặng cho đời. Chị Ngô Thị Cẩm Xuân, 51 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh là 1 trong 17 phụ nữ được tôn vinh và cũng là người hiến máu nhiều lần nhất – 62 lần chia sẻ: “Có lúc tôi phải bắt xe ôm đi hiến máu, bù tiền để đi hiến, nhưng cứu được người bệnh là tôi mãn nguyện rồi”. Chị Xuân chỉ là nội trợ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng tấm lòng của chị thật là rộng lớn. “Cho đi không cần nhận lại”- là tâm niệm của Đỗ Đình Quyền, chàng sinh viên lớp Quản trị nhân lực 12E, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội. Quyền là đại biểu ít tuổi nhất trong số 100 người được tôn vinh năm 2015. Chàng sinh viên đã 4 năm liên tiếp tham gia công tác vận động hiến máu và 18 lần hiến máu, nên Quyền hiểu rằng, là người trẻ, có sức khỏe, nhiệt huyết thì hãy cống hiến vì cộng đồng, vì người bệnh.

Trong ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu năm nay, chúng ta không thể không nhắc đến những thầy thuốc của Viện HH & TM TƯ luôn lan tỏa tấm lòng nhân ái bằng việc hiến máu cho người bệnh như Viện trưởng, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã 16 lần hiến máu; TS Ngô Mạnh Quân, 34 lần hiến máu; BS Nguyễn Văn Quế gần 40 lần… Và “Cảm ơn biết bao – Máu đào hiến tặng” là chủ đề của Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu năm 2015 chính là sự tri ân của toàn xã hội với nghĩa cử nhân ái của người hiến máu khi họ mang đến những phép màu hồi sinh sự sống. Họ xứng đáng được nhận nhiều hơn nữa lời cảm ơn tận đáy lòng của chúng ta.

Trần Hằng
.
.
.