Tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân

Thứ Tư, 11/04/2007, 18:54
Sau 1 tháng bắt đầu vụ tôm, các huyện chưa hoàn tất việc thả nuôi thì hàng trăm hộ nuôi tôm huyện Phú Lộc, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế đang phải thấp thỏm lo âu vì tôm nuôi vừa thả chưa đầy 1 tháng bị bệnh chết hàng loạt.

Vụ nuôi năm 2007, theo kế hoạch toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân ở 5 huyện ven phá Tam Giang (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) sẽ thả nuôi 3.800ha tôm sú.

Sau 1 tháng bắt đầu vụ tôm, khi mà các huyện chưa hoàn tất việc thả nuôi thì hàng trăm hộ nuôi tôm huyện Phú Lộc, Phú Vang phải thấp thỏm lo âu vì tôm nuôi vừa thả chưa đầy 1 tháng bị bệnh chết hàng loạt. Ngoài một số diện tích được xác định là bị đốm trắng thì số còn lại chưa rõ nguyên nhân tôm chết.

Theo nguồn tin từ Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế, năm nay dịch bệnh trên tôm nuôi đến sớm hơn mọi năm và lây lan trên diện rộng gây chết hàng loạt tôm nuôi làm hằng trăm hộ dân có nguy cơ phá sản. Đến thời điểm này đã có 20,05ha tôm ở hai huyện Phú Vang và Phú Lộc bị chết sạch.

Tôm chết đầu vụ làm người nuôi tôm lao đao, trong lúc đó ngành chức năng thì chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch. Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết:

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm toàn huyện Phú Lộc năm 2007 là 1.000ha. Cho đến thời điểm này , người dân đã cải tạo và thả nuôi được 776ha. Thế nhưng, tôm đang nuôi trong giai đoạn 25 đến 35 ngày tuổi thì bỗng nhiên bị bệnh chết hàng loạt với diện tích 11,5ha ở các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Vinh Hiền, Lộc Bình.

Điều khác thường so với mọi năm là không tìm được nguyên nhân tôm chết. Trước tình hình đó, huyện Phú Lộc đã báo cáo lên Sở Thủy sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Thừa Thiên - Huế để tăng cường cán bộ giúp huyện tìm rõ nguyên nhân và hướng dẫn các biện pháp xử lý.

Đồng thời dự báo tình hình dịch bệnh thời gian tới và có những giải pháp tích cực để phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo ông Khai, trong số 11,5ha tôm bị dịch bệnh chỉ có 2,5ha là xác định được nguyên nhân tôm chết là do dịch bệnh đốm trắng, số còn lại ngành Thủy sản vẫn chưa tìm được nguyên nhân.

Hơn nữa hiện nay ngành Thủy sản Thừa Thiên - Huế vẫn không có dụng cụ máy móc nào để xác định dịch bệnh ngoài máy PCR kiểm dịch bệnh đốm trắng.

Trước tình hình dịch bệnh trên con tôm diễn biến phức tạp, ngành Thủy sản huyện Phú Lộc chỉ có cách khuyên người dân không nên tiếp tục thả nuôi mới.

Trong lúc đó, tại huyện Phú Vang, dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã xảy ra ở 7 xã với diện tích 9,55ha hồ nuôi, làm chết 265 vạn con tôm giống vừa thả nuôi từ 5 đến 20 ngày tuổi.

Trước nguy cơ dịch bệnh tôm bùng phát và lây lan trên diện rộng, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Phú Lộc, Phú Vang và người dân dập dịch bằng thuốc Chlorine.

Tuy nhiên, một khi đã xử lý bằng Chlorine để dập dịch  thì đồng nghĩa với việc tận diệt tất cả số tôm trong hồ. Điều đáng nói hiện nay, người nuôi tôm ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang rất cần các ngành chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân tôm chết và có hướng xử lý hiệu quả để vừa tránh được dịch bệnh lây lan, tránh thiệt hại tiền của cho người dân

Văn Hiếu
.
.
.