Tòa án nhân dân huyện tổ chức xin lỗi người bị oan sai

Thứ Ba, 16/12/2008, 09:49
Mất 5 năm ròng rã gõ cửa các cơ quan chức năng từ địa phương tới TW, cuối cùng, chị Nguyễn Thị Thơ - cán bộ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cũng đã đòi được công bằng: ngày 11/12/2008, TAND huyện Đại Từ đã tổ chức xin lỗi công khai chị Thơ tại TTYT huyện Đại Từ, trước sự chứng kiến của đại diện các ngành và địa phương. 

Đây là vụ xin lỗi công khai đầu tiên của cơ quan tố tụng ở Thái Nguyên. Vụ án oan này đã được Báo CAND phản ánh trong bài "Làm oan sai, tòa án huyện muốn xin lỗi, tòa án tỉnh không cho" tháng 4/2007, sau khi đã làm việc với các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Nỗi oan của chị Thơ bắt đầu từ ca trực tối 13/12/2003, khi xảy ra vụ trộm tài sản trị giá khoảng 40 triệu đồng tại TTYT huyện Đại Từ. Sau khi Viện KSND huyện Đại Từ truy tố chị Thơ về tội "tham ô tài sản", Sở Y tế Thái Nguyên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với chị.

Ngày 10/8/2004, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 28, TAND huyện Đại Từ đã thay đổi tội danh "tham ô tài sản" sang tội "trộm cắp tài sản" và tuyên phạt chị Thơ 18 tháng tù giam, đồng thời, phải bồi thường cho TTYT huyện Đại Từ 42,6 triệu đồng.

Nhưng tại phiên phúc thẩm ngày 25/11/2004, TAND tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 28 của TAND huyện và đã hủy bản án sơ thẩm, vì "những căn cứ của cấp sơ thẩm là thiếu căn cứ xác đáng để buộc tội chị Thơ phạm tội".

Tòa đã chỉ ra sự vô lý khi kết tội chị Thơ: Cửa hành lang giữa khoa Xét nghiệm (nơi chị Thơ công tác) và khoa Dược có nhiều chìa khóa và do nhiều người quản lý. Hơn nữa, chìa khóa của chính khoa Xét nghiệm cũng do nhiều người cầm. Lời khai của nhân chứng mâu thuẫn vv… Sau đó, cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với chị Nguyễn Thị Thơ vì "hành vi không cấu thành tội phạm". Kết luận này đã nhận được sự đồng tình của cả Viện KSND huyện và TAND huyện Đại Từ.

Đúng ra, ngay sau đó, chị Thơ phải được TAND huyện Đại Từ tiến hành xin lỗi để trả lại danh dự, như Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qui định: "Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện xin lỗi, cải chính công khai".

Thế nhưng, một lần nữa, chị Thơ lại phải gõ cửa tất cả các cơ quan chức năng, từ địa phương đến TW, để tìm lại công bằng cho mình, vì mặc dù đã được kết luận vô tội, nhưng không có ai xin lỗi chị theo đúng luật. Điều trớ trêu là, không phải TAND huyện Đại Từ không muốn xin lỗi.

 Trong một cuộc làm việc với chúng tôi, bà Phùng Thị Hồng- Chánh án TAND huyện Đại Từ khẳng định: nhận thức được hậu quả từ việc làm sai với công dân do mình gây ra với chị Thơ, nên TAND huyện Đại Từ rất muốn khôi phục quyền lợi chính đáng cho chị Thơ.

Từ 12/2006, TAND huyện Đại Từ cùng chị Thơ lập biên bản về việc "Tiến hành thương lượng với người được bồi thường theo Nghị quyết 388". Nhưng rồi, mọi việc lại bị hoãn vô thời hạn. Nguyên nhân của việc này, theo bà Hồng, là do TAND tỉnh Thái Nguyên không đồng ý để Tòa án huyện xin lỗi.

Khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Nguyên và Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Nguyên, đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Song, cũng chỉ nhắc nhở chứ không thể khác được, vì Tòa án chịu sự quản lý theo ngành dọc.

 Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia của TAND Tối cao cũng bày tỏ quan điểm: "TAND huyện Đại Từ đã xử sai thì phải xin lỗi, còn nếu TAND tỉnh không đồng ý với việc này, TAND huyện cần phải làm văn bản báo cáo lên TAND Tối cao để được chỉ đạo và thực hiện theo đúng pháp luật, chứ không thể kéo dài mãi vi phạm". Nhưng rồi, TAND huyện vẫn không thể xin lỗi người bị oan nếu không được… cho phép.

Việc cơ quan tố tụng đã xử oan sai nhưng lại không xin lỗi trong vòng 30 ngày như qui định, mà để kéo dài nhiều năm việc xin lỗi là cố tình tiếp tục vi phạm pháp luật. 5 năm oan sai ấy là bao nhiêu nước mắt, khổ đau của chị Thơ và gia đình. Có những người thân của chị đã ra đi khi nỗi oan của chị chưa kịp cởi bỏ.

Chúng tôi còn nhớ mãi những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt người phụ nữ Sán Dìu trong căn nhà lụp xụp với những đứa trẻ nhếch nhác vì không được chăm sóc: "Tôi bị oan khuất chịu khổ nhục đã đành, nhưng đau đớn nhất là các con tôi, chúng luôn luôn mặc cảm vì những lời trêu trọc, dè bỉu của bạn bè và người quen biết, khi nỗi oan của mẹ chúng chưa được cởi bỏ...".

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ oan sai này? Và ai nữa sẽ phải chịu trách nhiệm khi cố tình kéo dài thời gian xin lỗi, khiến oan sai tiếp tục chồng lên oan sai với chị Thơ trong nhiều năm? Câu hỏi này cần được làm rõ, để trả lại công bằng cho chị Thơ, cũng như để ngăn chặn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tố tụng

Dạ Miên - Hải Lâm
.
.
.