Biệt thự cổ Hà Nội: Xuống cấp, chật chội và… phế tích
Biệt thự cổ bỏ hoang, xuống cấp
Tìm đến biệt thự cổ số 26 Phan Chu Trinh, phải cố gắng lắm chúng tôi mới nhìn thấy chóp căn nhà này nhô ra một cách yếu ớt sau một ngôi nhà cao tầng mới mọc xung quanh. Ngõ vào căn biệt thự này giờ chỉ còn là một lối đi nhỏ, sâu hun hút.
Bác Hoàng Quế Song, một trong số những gia đình đang trú tại căn biệt thự này cho hay, ngôi biệt thự cổ này cũng có hơn 100 năm tuổi. Rất nhiều chi tiết của ngôi nhà vẫn còn nguyên bản nhưng đã quá cũ kỹ.
Cụ Song dẫn chúng tôi theo những bậc thang gỗ cũ kỹ tham quan một vòng ngôi biệt thự cổ. 21 thành viên của 4 gia đình đang sống trong biệt thự. Thời gian, nắng mưa hằn vết loang lổ lên ngôi biệt thự. Chủ nhân của nó cho biết ngôi nhà này đã xuống cấp và phải sửa lại khá nhiều. Duy chỉ có nền gỗ vẫn có từ ngày xưa. Phần bên ngoài thỉnh thoảng chỉ cần phải quét vôi lại. Thay vì cổng chính nhìn ra đường Phan Chu Trinh, sau khi địa chỉ này được chia cho nhiều hộ gia đình, lối vào ngôi biệt thự chỉ còn là một ngách nhỏ nằm thông ra đường lớn.
Chúng tôi tìm đến địa chỉ một ngôi biệt thự nằm ở 18A phố Lê Thánh Tông. Nơi đang có hàng chục nhân khẩu sinh sống với đủ các quán cháo lòng, cà phê, cửa hàng… Nếu không được bà Nguyễn Thị Khả, năm nay đã 80 tuổi, chủ nhân của ngôi nhà này giới thiệu thì chúng tôi chẳng thể hình dung được nơi đây xưa kia từng là một biệt thự cổ được sử dụng làm khách sạn rất đẹp. Để đáp ứng được nhu cầu sinh sống cũng như chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay ngôi biệt thự này gần như được sửa chữa, cải tạo rất nhiều. Những dấu tích còn lại có chăng chỉ là vài bậc thang gỗ mờ tối và những góc tường loang lổ vết tích.
Căn nhà 124 ngõ Hàng Cỏ, Trần Hưng Đạo gia đình bà Đỗ Thị Ngọ sinh sống đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Cũng là một ngôi biệt thự nhưng nhiều người qua đường không khỏi xót xa và cám cảnh cho ngôi biệt thự nằm ở 31 Lê Thánh Tông. Ngôi biệt thự này giờ đây đã trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Toàn bộ phần mái đã bị bay mất chỉ trơ khấc lại những gian tường lở lói, nứt nẻ trông rất thảm thương. Toàn bộ khuôn viên ngôi biệt thự khá rộng này đang được để hoang. Thậm chí một vài ki ốt nằm ngay mặt tiền đường Lê Thánh Tông cũng hờ hững khóa sắt để đấy. Những người sống quanh ngôi nhà này cho biết: Ngôi biệt thự này đã được một đại gia lắm tiền ở TP Hồ Chí Minh mua lại mấy năm nay và đang… để đấy. Sự hiện diện của ngôi biệt thự hoang tại đây càng tăng thêm sự nuối tiếc với thời vàng son mà giờ đây nó còn gây ra sự phản cảm đối với trật tự mỹ quan đường phố.
Nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quản lý
Theo kết quả rà soát của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong số 1.253 biệt thự trên địa bàn TP có đến 312 biệt thự là các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị về kiến trúc. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61/CP (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, bất cập lớn nhất trong việc quản lý quỹ nhà biệt thự hiện nay là mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển nhà biệt thự cũ.
“Nếu không giữ gìn, bảo tồn thì đến một lúc nào đó nguy cơ sẽ biến mất quỹ nhà biệt thự này. Chính vì thế việc quản lý và bảo tồn quỹ nhà này là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể thì lại có những điểm vướng mắc nhất định. Nếu gia đình người ta nằm trong khu vực bảo tồn nhưng lại có những nhu cầu khác thì không được theo ý người ta do phải tuân theo các quy định về bảo tồn biệt thự”, ông Tú cho biết.
Đây là vướng mắc lớn nhất. Muốn bảo tồn thì phải có nguồn lực nhưng điều kiện của Nhà nước hiện cũng khó khăn. Muốn bảo tồn thì Nhà nước phải tham gia nguồn lực vào đó, nhưng hiện chúng ta chỉ có thể huy động nguồn tự nguyện của chính người dân đang ở. Muốn giữ lại kiến trúc đó thì Nhà nước phải hỗ trợ người dân để bảo tồn nhưng thực tế hiện chúng ta chưa thể làm được việc đó. Vì thế trước mắt, Nhà nước chỉ ra được các văn bản mang tính khuyến nghị, tuyên truyền cho người dân tham gia bảo tồn quỹ biệt thự cũ này”, ông Tú thông tin thêm.
Hiện trường vụ sập nhà cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). |
Để phân loại biệt thự, Sở Quy hoạch – Kiến trúc dựa vào chất lượng và công năng sử dụng để phân biệt thự kiến trúc Pháp thành 4 loại. Các ngôi biệt thự kể trên bị xếp vào hạng biệt thự nguy hại nghiêm trọng hoặc biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Đồng thời, nhiều giải pháp được nêu ra nhưng đến nay, tình trạng biệt thự cổ kiến trúc Pháp xuống cấp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề khó nhất là tìm giải pháp bố trí chỗ ở mới cho người dân đang sống tại đây.
Năm 2013, Hà Nội đã ra nghị quyết về phương án hỗ trợ chỗ ở cho người dân trong 4 quận nội thành cũ. Trong Nghị quyết này, một trong số các đối tượng chính sách được ưu tiên mua nhà ở xã hội tại các dự án trong TP là cư dân sống trong các biệt thự cũ xuống cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như chưa có hộ dân nào được di dời và hưởng chính sách ưu đãi.
Quay trở lại trường hợp nhà 107 Trần Hưng Đạo bị đổ sập vừa qua, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khu nhà này được xây dựng từ năm 1900, có tuổi đời hơn 100 năm nên chắc chắn có xuống cấp. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân sập đổ, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP Hà Nội giao Viện Kinh tế Kỹ thuật xây dựng thực hiện việc giám định chất lượng công trình, tìm nguyên nhân. “Khi có kết luận giám định mới có thể khẳng định nguyên nhân sự cố là gì. Trên thực tế, Sở chưa nhận được văn bản nào từ phía đơn vị quản lý, sử dụng có báo cáo về chất lượng của tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo hoặc có đề nghị cải tạo, sửa chữa gửi cơ quan quản lý của TP”, ông Dũng khẳng định.
Thực trạng biệt thự cũ xuống cấp và cuộc sống chật chội, khổ sở của các hộ dân đang sinh sống ở đây đã trở thành đề tài “nóng” của nhiều phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều nhà biệt thự cũ, do nhiều chủ sử dụng, sở hữu quản lý. Trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đã được quy định rất rõ tại Luật Nhà ở, Nghị định 34 của Chính phủ, đó là hàng năm chủ quản lý, sử dụng phải lập kế hoạch duy trì, cải tạo.
“Nếu nhà có nguy cơ không bảo đảm an toàn, chủ sử dụng phải có trách nhiệm thuê tư vấn kiểm định chất lượng. Nếu kết quả kiểm định nhà ở cấp độ D, tức nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, chủ sử dụng phải thực hiện ngay việc di dời khẩn cấp, lập dự án cải tạo, xây dựng lại. Nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý thì thành phố phải duy trì, cải tạo và kiểm định chất lượng nếu có nguy cơ không bảo đảm an toàn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Rà soát toàn bộ công trình nhà ở đã xuống cấp tại Hà Nội Chiều 24/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc làm việc tiếp tục chỉ đạo khắc phục sự cố tai nạn tại nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo ngành y tế Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cứu chữa, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân và phối hợp với Sở Xây dựng bố trí tạm cư để các hộ dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống. UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Xây dựng triển khai ngay các giải pháp như chống đỡ, tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ tiếp tục sập đổ… nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khu vực. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị quản lý sử dụng tòa nhà (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) phải khẩn trương khảo sát, đánh giá về chất lượng công trình, ảnh hưởng của sự cố khu nhà chính đến các công trình nhà ở còn lại trong khu đất 107 Trần Hưng Đạo. “Nếu bảo đảm an toàn, cho phép các hộ dân tiếp tục ở lại, sớm ổn định cuộc sống; trường hợp nào không đảm bảo an toàn, phải ban hành quyết định hành chính về việc di dời và bố trí tạm cư cho các hộ dân”. Chủ tịch UBND TP giao Công an TP Hà Nội chỉ đạo khẩn trương giám định, xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tai nạn, sự cố và xử lý theo quy định. Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền Thủ đô chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát toàn bộ các công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp. Từ kết quả rà soát, các cơ quan liên quan phải đề xuất các giải pháp xử lý bảo đảm an toàn cho công trình và an toàn cho nhân dân. Chi Linh |