Tình trạng phá rừng ở Phú Yên vẫn còn diễn biến phức tạp

Thứ Ba, 04/01/2011, 08:18
Tái định cư nhưng thiếu đất sản xuất, khai thác vàng sa khoáng trái phép và khai thác cây đại thụ để làm cây cảnh là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng ở địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên buộc phải di dời 386 hộ dân, hầu hết là hộ đồng bào dân tộc và thu hồi 891 ha đất sản xuất ở xã Suối Trai và Krông Pa thuộc huyện Sơn Hòa.

Đổi lại, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải phối hợp cùng địa phương xây dựng 2 công trình thủy lợi và san ủi mặt bằng tưới cho 410 ha đất lúa nước cấp lại cho dân. Tuy nhiên, cho đến nay đã 6 năm trôi qua và nhà máy thủy điện công suất 220 MW này đã hòa lưới điện Quốc gia từ năm 2009 mà bà con vẫn không có đất sản xuất.

Để có cái ăn, các hộ dân buộc phải phá rừng làm rẫy. Chỉ riêng tại Khu rừng đặc dụng Krông Trai là khu vực gần nơi đồng bào sinh sống trong năm 2010 đã xảy ra 197 vụ vi phạm lâm luật, chiếm 15,6% số vụ toàn tỉnh. Trong đó, có 116 vụ phá rừng với diện tích 43,7 ha cùng 78 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. 

Chủ tịch UBND xã Krông Pa - ông Đỗ Trọng cho biết: "Đại bộ phận các hộ dân trong diện thu hồi đất là hộ đồng bào dân tộc. Đời sống của họ luôn gắn liền với nương rẫy. Nhưng họ đã mất đất để xây dựng nhà máy, có nhiều hộ mất trắng luôn thì cuộc sống hết sức khó khăn. Bây giờ có nhiều hộ nợ ngân hàng rất cao mà không biết kêu ai. Vì bà con mất đất thì lấy gì mà sống nên họ phải vào rừng. Do vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã rất khó khăn vì khó xử lý và đây cũng là bức xúc của chính quyền. Bên cạnh đó, do địa bàn xã nằm giáp ranh tỉnh Gia Lai nên tình hình hết sức phức tạp; một số thành phần xấu lợi dụng vấn đề này (không cấp đất sản xuất - PV) đã nói xấu nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo của chính quyền xã".

Đáng lo ngại, vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh thường dưới danh nghĩa "tận dụng cây đứng mọc rải rác còn sót lại trên nương rẫy cố định" do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện cấp phép. Thêm vào đó là tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép không chỉ dẫn đến hậu quả phá rừng mà còn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mặc dù chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng đâu vẫn hoàn đấy

Thế Lập
.
.
.