Tinh thần 27/7 - Tri ân một lý tưởng

Thứ Ba, 27/07/2010, 09:05
Ngày 27/7 hàng năm là cột mốc quan trọng để mỗi người nhìn lại những hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Nhưng quan trọng hơn, tinh thần 27/7 chính là di sản vĩ đại của quốc gia cần được khơi dòng trong cuộc sống hôm nay.

Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày thống nhất. Thế hệ đầu tiên không biết đến chiến tranh giờ đã bước vào tuổi trung niên. Thế giới hai cực không còn nữa. Quá trình hội nhập toàn cầu đã tạo nên những thang giá trị mới cho tất cả các quốc gia. Lớp trẻ đã trở thành lứa công dân mới của thời đại Internet với thế giới rộng lớn và có rất nhiều việc cần làm.

Thế nhưng hằng ngày, những thông tin kiếm tìm đồng đội, kiếm tìm người thân, kiếm tìm mộ liệt sỹ vẫn được cập nhật trên các tờ báo, các trang web và những tổ chức xã hội. Trong 15 năm, chuyên mục Nhắn tìm đồng đội của Truyền hình Quân đội nhân dân đã nhận gần 10.000 hồ sơ liệt sỹ. Chiến tranh kết thúc đã rất lâu nhưng có những người lính vẫn chưa hoàn tất hành trình trở về trên đất nước bình yên.

Tuổi trẻ Việt Nam vẫn luôn tri ân với sự hy sinh của những người đi trước. Ảnh: Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng thăm và tặng quà gia đình liệt sĩ Công an Nguyễn Thành Dũng. Ảnh: Huy Hoàng.

Bà Bùi Thị Phương đã từng là một giáo viên đi B tại Gio Linh, Quảng Trị những năm đầu giải phóng. Vào nơi tuyến lửa ấy, sau hai tháng những người con đất Bắc không thể đào lấy nổi một giếng nước. Nơi nào đào xuống cũng chỉ thấy hài cốt và hài cốt. Trong những giấc mơ xa xứ vẫn ẩn hiện những đoàn quân rầm rập với niềm tin và ước hẹn trở về…

Bác Nguyễn Quang Đông là một bác sỹ quân y trong chiến trường miền Nam. Không biết bao nhiêu người đã được bác chăm sóc và cứu chữa trong những ngày tháng mưa bom bão đạn ấy. Giờ đây, bác vẫn không quên những lần mình thất bại. Có những đôi mắt thật trẻ nhìn trời để nhắm lại một lần sau cuối. Có những người còn không thể ghi tên tuổi, đơn vị và quê hương bản xứ.

Năm 1990, trong một giờ lên lớp, cô sinh viên Hoàng Thị Trang bỗng dưng bật khóc. Cô bạn lén đọc những hồi ký chiến tranh trong lớp. Trong đó có một cô giao liên có mái tóc rất dài. Trong một lần chạy giặc, mái tóc bị bung và vướng vào những lùm cây gai…Không một hình phạt, không một lời cảnh cáo. Cả giảng viên và sinh viên cùng lặng đi trong một nỗi xúc động vô cùng.

Những câu chuyện như thế có ở khắp những con người, những gia đình, họ tộc. Từ thành phố đến làng quê, không có nơi nào chiến tranh chưa từng đi qua và để lại những nỗi đau trong từng thân phận.

Hằng năm, ngày 27/7 trở thành một dấu mốc cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Những khu tưởng niệm được khánh thành, những nhà tình nghĩa được xây dựng, những sổ tiết kiệm được trao tặng, những ngọn nến được thắp lên trên những tấm bia mộ… Trên một đất nước bước ra khỏi chiến tranh với khoảng 1,1 triệu liệt sỹ, 300 ngàn người mất tích, 600 ngàn thương binh không khó để hiểu rằng những hoạt động trên là cả một phong trào xã hội. Nó hết sức cần thiết để tri ân những người đang sống. Tất cả những con số thống kê đều rất ấn tượng nhưng với mỗi người nằm xuống đều mang riêng một số phận ấy thì liệu những thống kê đã là đủ để hiểu về một thời máu lửa?

Nghĩa trang Trường Sơn quy tụ hơn 10 nghìn mộ liệt sỹ. Trong đó, 80% những người ngã xuống nằm trong lứa tuổi từ 18 đến 22, lứa tuổi thanh niên đẹp nhất trong cuộc đời người. Những người ra đi không tiếc bản thân mình chắc cũng không bao giờ nghĩ đến một sự đền ơn, đáp nghĩa. Họ đã bước vào chiến tranh với khao khát cháy bỏng độc lập cho đất nước. Mà độc lập, đó chính là nền tảng để thực thi những quyền cơ bản: quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Nghĩa là, họ đã sẵn sàng hy sinh thân mình cho đồng bào, cho tiến bộ. Với tâm thế ấy, dù là những trai làng hay những tri thức trẻ, họ đã bước vào cuộc chiến với một tâm thế chung của những người vĩ đại: những người đặt tính mạng dưới khát khao về một cuộc sống tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Đất nước Việt Nam đã định hình trên bản đồ thế giới từ chính tinh thần hy sinh cao cả ấy. Nó mạnh mẽ hơn mọi vũ khí hiện đại, mọi khó khăn gian khổ của kháng chiến trường kỳ, mọi toan tính cá nhân trước những thử thách của thời cuộc. Nói vậy để thấy chúng ta còn cần tri ân một lý tưởng của những người đã ngã xuống cho cuộc sống hôm nay.

Khi đất nước vẫn còn những cậu bé đánh giày tha hương cầu thực, chúng ta vẫn còn nợ nần những người đã hy sinh. Khi đất nước vẫn còn xảy ra những vụ việc như PMU 18, chúng ta vẫn phải luôn nhắc mình về những con người đã chẳng tiếc chính bản thân mình vì tiến bộ chung của đồng bào.

Khi những người nông dân mất đất cho những sân golf, những khu công nghiệp chúng ta cần hiểu sức mạnh lớn lao nhất đã đến với dân tộc khi những con người biết xả thân vì những con người. Khi sự suy thoái của văn hóa, đạo đức làm biến dạng xã hội, chúng ta cần hiểu mình cần tiếp nối những di sản tinh thần vĩ đại từ những người nằm xuống. Không một ai, không một thế hệ nào được phép lãng quên lý tưởng cao cả ấy.

Ngày 27/7 hàng năm là cột mốc quan trọng để mỗi người nhìn lại những hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Nhưng quan trọng hơn, tinh thần 27/7 chính là di sản vĩ đại của quốc gia cần được khơi dòng trong cuộc sống hôm nay. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành Đoàn và các địa phương tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Từ những ngọn nến ấy, lý tưởng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc có bừng cháy trong trái tim của tuổi trẻ hôm nay khi hàng triệu người đi trước đã dám ngã xuống trong lứa tuổi mười tám, đôi mươi cho một niềm tin tốt đẹp?

Thanh Tùng
.
.
.