Tìm lại tiếng trống đồng Đông Sơn

Thứ Bảy, 06/12/2008, 17:30
"Chúng tôi có thể đúc được những phiên bản trống đồng hoàn toàn theo phương pháp thủ công, mà khi gõ, trống sẽ có âm thanh vang vọng và trầm hùng như tiếng trống đồng xưa" - lời nói giản dị của một nghệ nhân đúc trống đồng Đông Sơn trẻ thực sự khiến tôi ngỡ ngàng. Bởi hành trình đi tìm âm thanh cho trống đồng đã dài cả trăm năm có lẻ, tốn không ít giấy mực của giới khoa học trong và ngoài nước...

Đã tìm thấy "Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh"?

Trong căn nhà nhỏ mới được tu sửa lại khá khang trang nằm sâu trong con ngõ dài của làng nghề đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), vẫn nụ cười tươi và giọng nói chậm rãi tự tin, nghệ nhân 42 tuổi Lê Văn Bảy khẳng định với tôi thêm một lần nữa: "Chúng tôi đã đúc thành công những chiếc trống đồng có thể kêu rộn rã, hoàn toàn bằng phương pháp đúc đồng thủ công truyền thống của người Đông Sơn cổ".

Nhìn nét thuần hậu trên gương mặt đã bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn cùng với tâm huyết, lao lực mà "đôi tay vàng" Lê Văn Bảy cống hiến cho việc phục chế trống đồng, tôi tin.

Hơn nữa, thực tế đã chứng minh, tại Lễ hội Lam Kinh diễn ra hoành tráng ở quê hương Lê Lợi vào tháng 9 vừa qua, giàn trống đồng gồm 21 chiếc trống lớn do hai nghệ nhân Lê Văn Bảy và Thiều Quang Tùng đúc đều đồng loạt cất lên những âm thanh rộn rã, hào hùng, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho thành công của lễ hội.

Tôi đến nhà của nghệ nhân Thiều Quang Tùng, một cơ sở sản xuất khá lớn tại làng Kim Sơn (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), "ngây thơ" hỏi chuyện khôi phục âm thanh cho trống đồng.

Thiều Quang Tùng vốn là một nghệ nhân trẻ, năm nay anh 43 tuổi, nhưng từng đoạt giải nhất trong cuộc thi đúc trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, từng được vinh danh tại Festival Huế 2007, từng đúc nhiều chiếc trống mang dấu ấn quan trọng như chiếc trống đồng và thanh kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Từng bươn chải Bắc Nam kiếm sống bằng đủ thứ nghề, nhưng sau khi theo học nghề đúc tại làng nghề Trà Đông, rồi tự mày mò tìm hiểu, học hỏi qua sách vở và thực tế thử nghiệm, kỹ thuật đúc trống đồng của anh bây giờ đã vào hàng lão luyện, ít người bì kịp.

Thấy tôi còn hồ nghi về việc trống kêu hay không, Thiều Quang Tùng kéo tôi đến gần một chiếc trống lớn mà anh vừa hoàn thiện, bảo: "Chú cứ vác dùi gõ vào mặt trống xem nó có kêu không? Nếu gõ trống không kêu thì chú cứ việc đem trống ném thẳng ra ngoài ruộng kia cho anh. Đừng nhẹ tay thế, cứ gõ thật mạnh vào, không việc gì phải sợ vỡ trống".

Tôi cầm chiếc dùi lớn gõ vào mặt trống, ban đầu còn nhẹ, rồi mạnh dần, lần lượt gõ từ núm đến tang, từ tang vào núm. Từ chiếc trống đồng, những âm thanh rền và vang vọng cất lên, khi trầm khi vang tùy vào điểm gõ, như có cung bậc. Tự tay gõ trống, tôi không thể không tin.

Quả thật, từ nhiều năm gần đây, tôi không còn lạ lẫm gì với công nghệ đúc các phiên bản trống đồng Đông Sơn nữa. Tôi đã quá quen thuộc với cảnh hàng đống đồng nát han gỉ bỗng chuyển thành dòng đồng đỏ rực trong tiếng bễ thổi ù ù, than củi nổ tanh tách, tiếng người hô vang hào sảng chỉ huy đổ đồng vào khuôn đúc..., vì đã không ít nhiều lần được xem các nghệ nhân đúc trống.

Các nghệ nhân luôn có một chút bí quyết để gìn giữ cho riêng mình, nhưng với tôi, nhiều khi họ cũng chẳng cần giấu giếm. Chính vì vậy, lần nào đến thăm các nghệ nhân thì thể nào tôi cũng khám phá được một điều gì đó mới mẻ. Nhưng cái mới mẻ lần này, dường như là sự khởi đầu cho những đột phá lớn ở nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng trong việc khôi phục kỹ nghệ đúc trống đồng Đông Sơn truyền thống.

Trở lại với bàn trà, anh Tùng bảo: "Việc phát hiện ra công thức để khiến những chiếc trống có thể kêu, chúng tôi đã biết từ hơn một năm trước, nhưng mày mò nghiên cứu mãi, giờ mới tự tin là đã làm chủ được công nghệ.

Tôi và Lê Văn Bảy chưa ai bảo ai nên không rõ phương pháp có giống nhau không, nhưng đều tìm ra bí quyết gần như cùng thời điểm. Việc này không phải nghệ nhân nào cũng biết và cũng làm được".

Trầm tư một chút, anh nói thêm: "Trước đây, tôi từng gõ thử một số trống đồng cổ, thấy có chiếc kêu vang, chiếc lại không kêu. Suy nghĩ mãi, tôi nghi ngờ có hai loại trống đồng mà cứ tạm gọi là trống câm và trống kêu cho dễ phân biệt. Không biết từng loại dùng để làm gì, nhưng với người thợ như chúng tôi, đã có hai loại trống thì sẽ có hai phương pháp đúc. Thế là tôi mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, tốn khá nhiều tiền bạc, rồi cũng đến lúc được nhảy cẫng lên khi đúc thành công một chiếc trống kêu. Vui nhất là các nhà khoa học không thể bảo là trống đồng kêu bèn bẹt như trẻ gõ đũa lên mâm được nữa rồi".

Những tự ái nghề nghiệp của các nghệ nhân này đôi khi cũng thật thú vị đến đáng yêu. Trước đây, mỗi khi đi trình diễn đúc trống, nhiều nhà khoa học khi gõ các phiên bản trống đồng mới của các anh đều bày tỏ sự hoài nghi về khả năng âm thanh của trống.

Người thì dẫn chứng đã từng nghe tiếng trống đồng của đồng bào Lô Lô (Hà Giang), rồi khẳng định như đinh đóng cột: "Trống đồng không thể âm vang hào hùng". Người thì "tế nhị" hơn, chỉ than thở rằng câu "Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh" (Nghe tiếng trống đồng, tóc dần bạc đi) của sứ giả nhà Nguyên có lẽ là do tâm lý sợ hãi, chứ chưa hẳn đã phải là do uy lực kinh người của tiếng trống đồng.

Ngay như mới cách đây hơn một năm thôi, khi tôi đề cập đến âm thanh của trống đồng, các nghệ nhân hàng đầu của nghề đúc trống đồng đều cười: "Thực sự là chưa bao giờ chúng tôi được nghe tiếng trống ấy. Chỉ được biết qua sách vở và chuyện kể thôi. Ở Thanh Hóa có nhiều bảo tàng nhà nước và tư nhân có trưng bày trống đồng cổ, nhưng nó là bảo vật, có ai dám vác dùi mà gõ vào trống cổ xem nó kêu như thế nào? Hơn nữa, đã nằm sâu trong lòng đất ngàn năm nay, liệu âm thanh nó có còn chuẩn như ngày xưa?". Nhưng rồi sự thôi thúc muốn khám phá đến tận cùng của công nghệ đúc trống của các nghệ nhân cũng được đền đáp.--PageBreak--

Mặc dù là những nghệ nhân có công đầu trong việc khôi phục âm thanh cho trống đồng, nhưng cả Thiều Quang Tùng và Lê Văn Bảy đều là những nông dân chân lấm tay bùn, không hiểu gì về nhạc lý của loại "nhạc cụ tự thân vang" này.

Hơn nữa, công nghệ đúc trống đồng Đông Sơn xưa gần như đã thất truyền, kể cả trong sử sách. Chính vì vậy, những khám phá của họ phần nhiều là do phỏng đoán, suy luận và tự mày mò chứ không theo một khuôn mẫu chuẩn mực nào cả, và cũng chưa có ai thẩm định được.

Trong những lần trò chuyện, tôi đều thấy khát khao cháy bỏng được khám phá tận cùng nghề đúc trống đồng của hai nghệ nhân trẻ. Lê Văn Bảy từng nói với tôi rằng: "Chúng tôi vẫn vừa làm vừa học lại nghề của người xưa thôi, không có cách gì khám phá hết nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn cả. Chẳng hạn, dù đã đúc ngàn sản phẩm, tôi vẫn không hiểu tại sao trên pho tượng đồng Đông Sơn cổ, có mảnh gỗ làm cốt tượng lại không bị cháy, khô nguyên trong khi đồng nóng chảy trên ngàn độ?

Nay, với những thanh cốt đó, chúng tôi phải làm bằng thép. Tôi có thể tính ra tỉ lệ các chất trong hợp kim đồng, độ dày mỏng từ những chiếc trống đồng cổ, nhưng khi áp dụng như vậy vào sản xuất thì không thể coi là đã chuẩn mực như trống cổ. Tinh hoa ngàn năm của người xưa, không dễ gì dăm năm hay mười năm tìm hiểu mà biết hết được".

Hành trình còn dài và chưa đến đích

Cũng cần nói thêm một chút về nghề đúc đồng Đông Sơn, mà đỉnh cao là làng nghề đúc đồng Trà Đông. Làng nghề có tự bao giờ, không ai còn nhớ rõ, chỉ biết trong làng còn đền thờ ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam là Khổng Minh Không, và người thợ thì cứ làm theo kinh nghiệm cha truyền con nối.

Đến cuối thế kỷ XX, người thợ lành nghề nhất của làng nghề đúc cũng không thể tin nổi là mình có thể đúc thành công một chiếc trống đồng. Đã thế, có lúc làng nghề lại gặp cơn bĩ cực, tưởng như mất hẳn.

Năm 1988, những đồ gia dụng như nồi, mâm, niêu, xoong, niễng bằng đồng (từng là thước đo sự thịnh vượng của mỗi gia đình) đã được người dân chuyển sang dùng bằng những thứ có nguyên liệu rẻ hơn như nhôm, nhựa, gang, thậm chí là inox.

Bên cạnh đó, giá đồng nguyên liệu cao cộng với việc thương lái Trung Quốc liên tục thu mua triệt để đồ đồng nát cũng gây nhiều khó khăn cho làng nghề. Hơn 100 lò đúc đồng của làng Trà Đông dần dần tắt hết lửa lò, còn 22 lò, 10 lò..., rồi đỉnh điểm là năm 2000, hầu như không còn nhà ai đỏ lửa.

Phút thật lòng, Lê Văn Bảy tâm sự: "Gia đình tôi, cha truyền con nối làm nghề này. Cha tôi (nghệ nhân Lê Văn Du) học nghề từ khi tóc để chỏm, rồi anh em tôi lại được cha dạy nghề từ lúc mới hơn 10 tuổi. Lúc làng nghề tắt lửa lò thì người thợ như tôi lao đao lắm. Học không hay, cày không biết, đành ôm lấy cái nghề phiêu dạt khắp miền Bắc Nam, xuôi ngược để kiếm sống.

Có thời điểm, tôi còn theo cánh thợ trong làng sang tận Xiêng Khoảng (Lào) để làm nghề, tuy phải tha hương cầu thực, nhưng dẫu sao còn được làm nghề, còn giữ được nghề. Cật lực làm hơn một năm, công việc rất tốt, thu về khá nhiều kíp (đơn vị tiền tệ của Lào), nhưng khi đem tiền về nhà thì đồng tiền Lào và Việt lại trượt giá nên vẫn đói dài thôi".

Đám thanh niên trẻ còn có thể bỏ làng mà đi, nhưng cánh thợ già như ông Lê Văn Du (đã ngoài 80 tuổi, nghệ nhân đầu tiên của làng nghề Trà Đông) thì không đi đâu được, chỉ biết đứt ruột nhìn làng nghề tiêu điều dần mà thôi.

"Có nhiều hôm, đang nửa đêm đông lạnh giá, bỗng nhớ mùi bùn, mùi than, nhớ tiếng nổ trong lò, nhớ màu đồng cháy đến không thể chịu nổi, tôi bật dậy nhóm lò nổi lửa. Rồi cứ ngồi bên lò mà nhìn lửa đỏ bắn như pháo hoa vậy, thao thức đến sáng" - ông Du tâm sự.

Một ngày, vào khoảng năm 2001, người nghệ nhân già ngồi xem tivi, thấy giới thiệu ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày chiếc trống đồng cổ. Ông Du theo con trẻ vượt đường xa đến đó xem, nhìn kỹ thuật đúc trống tinh xảo của người xưa mà thấy người nôn nao, bèn quyết đúc một cái trống như thế cho đỡ thèm. Ông nhanh chóng nhập tâm hoa văn, kiểu dáng, rồi dùng tất cả kinh nghiệm lão luyện của một người thợ già để làm khuôn, vẽ hoa, tính toán lượng đồng, cách đúc.

Không biết bao nhiêu lần đúc hỏng rồi phá đi đúc lại, cuối cùng thì cha con ông cũng đúc thành công một chiếc trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống mà cả trăm năm nay thách thức bao nhiêu thế hệ thợ đúc đồng trong và ngoài nước.

Ông Lê Văn Du rồi đến hai người con là Lê Văn Dương và Lê Văn Bảy lần lượt được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Làng nghề Trà Đông cũng từ đó có một hướng đi mới mà dần gượng dậy.

Đến nay, thế hệ những nghệ nhân trẻ như Lê Văn Dương, Lê Văn Bảy, Thiều Quang Tùng, Lê Bá Châu... đã thực sự khiến làng nghề Trà Đông sống dậy, nổi tiếng cả nước vì những lần trình diễn đúc trống đồng thành công.

Lê Văn Bảy nổi tiếng với những kỷ lục Việt Nam qua chiếc trống đồng có đường kính mặt 1,51m, đáy rộng 1,54m, cao 1,21m; và chiếc thạp đồng Đào Thịnh cao 1,51m, đường kính chỗ rộng nhất là 0,88m.

Anh Thiều Quang Tùng (bên phải) đang đổ đồng.

Thiều Quang Tùng thì nổi tiếng với những giải thưởng cao, những chiếc trống được làm gắn với các sự kiện lớn, đặc biệt là chiếc trống đồng dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Giữa Lê Văn Bảy và Thiều Quang Tùng đều có những nét riêng biệt trong cách làm trống, nhưng thường có những nét chung ở kết quả. Chẳng hạn như, Lê Văn Bảy làm khuôn dọc và chỉ dùng hai mảnh khuôn ghép lại để đổ đồng, vì anh cho rằng "nhìn các vết ráp trên trống đồng cổ thì tôi quả quyết chỉ hai mảnh khuôn như vậy".

Thiều Quang Tùng lại nhất quyết dùng đến ba mảnh khuôn và phải đổ đồng khuôn ngang để "bảo vệ hoa văn trên mặt trống được đẹp và nguyên vẹn nhất".

Nhưng những lần theo chân các anh đi trình diễn đúc trống ở Thanh Hóa, Festival Huế..., tôi thấy hai anh đều thành công, được nhiều nghệ nhân của các làng nghề khác hết sức ngưỡng mộ.

Có thể nói, các nghệ nhân đúc trống đồng Đông Sơn cơ bản đã khôi phục được phương pháp đúc trống đồng truyền thống. Nhưng chính vì chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể về âm thanh, cách diễn tấu của trống đồng, nên các nghệ nhân còn băn khoăn lắm.

Người ta sẽ dùng những thanh sắt dài, vồ sắt, dùi mỏ khoắm, đầu khoắm được bọc vải hay dùng dùi thẳng, đầu gõ được bọc vải phía trong, phía ngoài cũng bọc bằng da hòn dái dê để gõ? Trống sẽ đặt úp, hay treo nghiêng khi đánh? Cuốn sách "Đả cổ lục" (Sách đánh trống) có chép bài thơ minh họa cách đánh trống của người xưa theo tiết tấu "Chinh tùng chinh/ Chinh tùng chinh/ Bất diệt thù hề/ Bất nguyện sinh!" có phải là cách đánh trống đồng?...

Thiều Quang Tùng thừa nhận: "Chúng tôi đã khiến những chiếc trống lớn có đường kính mặt từ 50 cm trở lên lên tiếng. Chúng tôi cũng biết cách làm cho từng vị trí gõ sẽ âm vang hoặc trầm khác nhau. Nhưng để khiến trống đồng Đông Sơn thực sự trở thành một nhạc cụ, rất cần sự xắn tay vào cuộc của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, âm nhạc..."

Lê Hồng Quân - ANTG 814
.
.
.