Tìm kiếm cứu nạn hàng hải: Chính quyền các cấp phải cùng vào cuộc
Chốt chặn - phương án cần thiết
Vùng biển Việt Nam trải dài 3.260km, rộng trên 1 triệu km2 và nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, nên các hoạt động kinh tế biển như vận tải, đánh bắt thủy sản, du lịch, thăm dò dầu khí... diễn ra hết sức sôi động.
Đặc biệt, biển rộng lớn tồn tại nhiều khu vực nhạy cảm, thường xảy ra các sự cố, tai nạn hàng hải trước biểu hiện thời tiết diễn biến phức tạp. Trong khi đó, cả nước mới chỉ có 7 tàu chuyên dụng (3 tàu 41m, vùng hoạt động xa bờ 250 hải lý; 4 tàu loại 27m, hoạt động trong vùng 150 hải lý) phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển, không thể phủ kín, kiểm soát sự hoạt động của các loại phương tiện đang hoạt động.
Do số lượng ít và còn những hạn chế của phương tiện, việc điều tàu chuyên dụng từ các trung tâm khu vực không thể đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, các phương tiện TKCN chuyên dụng thường trực tại các vùng biển nhạy cảm, khu vực hoạt động sôi động không thể không có các phương án chốt chặn, thường trực TKCN.
Năm 2005, Trung tâm TKCN hàng hải Việt Nam lần đầu triển khai phương án chốt chặn trên biển. Thí điểm hoạt động chốt chặn, Trung tâm đã điều động tàu SAR 274 của DA NANG MRCC vào cảng Gianh - Quảng Bình thường trực và sẵn sàng TKCN.
Chỉ trong 2 tháng đầu, tàu SAR 274 đã kịp thời cứu nạn 2 vụ tai nạn trên biển, hạn chế thiệt hại cả tỷ đồng. Đến tháng 6/2006, Trung tâm TKCN tiếp tục điều động tàu SAR 273 HAI PHONG MRCC chốt chặn vùng biển Bắc Trung Bộ tại cảng Cửa Lò - Nghệ An.
Trong 6 tháng hoạt động, tàu SAR 273 đã thực hiện TKCN hơn 10 vụ tàu đánh bắt thủy sản và dịch vụ gặp nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Từ hiệu quả hoạt động của 2 tàu SAR 273, 274, Trung tâm TKCN điều phối cho phép tàu SAR 274 và SAR 412 thay nhau thực hiện chốt chặn vùng cảng Nha Trang - Khánh Hòa.
Tại vùng biển Vũng Tàu, 2 tàu cũng thay nhau thực hiện chốt chặn tại Côn Đảo. Đến nay, công tác chốt chặn TKCN trên vùng biển Việt Nam không chỉ mang lại hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại người và tài sản, mà còn phù hợp với quy ước hàng hải quốc tế...
Chính quyền các cấp không thể thờ ơ...
Theo các chuyên gia TKCN hàng hải, khó khăn lớn nhất của hoạt động chốt chặn TKCN là chưa có quy chế phối hợp với các cấp chính quyền địa phương. Bài học sâu sắc trong hoạt động TKCN phải kéo dài tìm kiếm các nạn nhân do bão Chanchu gây ra ở miền Trung cách đây không lâu là do tổ chức, thu nhận, cung cấp, chuyển giao thông tin giữa lực lượng TKCN và chính quyền địa phương.
Thêm nữa, một số phương tiện TKCN do yêu cầu phải trở về căn cứ sớm hơn thời gian quy định, việc điều động các phương tiện khác của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do không ít địa phương còn có tư tưởng ỷ lại vào lực lượng chuyên ngành.
Khi cần phối hợp chỉ phối hợp ở khía cạnh sự cố tai nạn xảy ra trên vùng biển địa phương mình. Công tác TKCN nói chung của nhiều địa phương vẫn chưa có lực lượng hoạt động độc lập cũng như trang bị phương tiện chuyên dùng thiếu trầm trọng.
Bởi vậy sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra hầu hết các địa phương rất lúng túng trong xử lý. Ví như, vào dịp cuối tháng 6/2007, tại khu biệt thự 21 (khu 2 Đồ Sơn), một gia đình xuống biển chơi bị sóng cuốn chết 4 người cùng lúc.
Mặc dù có lực lượng cứu nạn tại chỗ, nhưng phải mất nhiều giờ để có thông tin và liên lạc phối hợp với lực lượng chuyên ngành TKCN, nên đến 2 ngày sau mới tìm thấy thi thể nạn nhân.
Tại vùng biển Khánh Hoà, 2 thuyền đánh cá ngư dân bị lốc cuốn, nhấn chìm giữa biển, đến khi lực lượng TKCN phát hiện, cứu hộ an toàn người và tài sản, lúc đó chính quyền sở tại mới biết.
Rõ ràng, chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác TKCN hàng hải, chưa hề chủ động xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn và phối hợp chặt chẽ với các tàu chuyên dùng đang chốt chặt ngoài biển...
Để công tác phối hợp TKCN hàng hải ngày một hiệu quả, không chỉ duy trì phương án chốt chặn, xây dựng quy chế mới phối hợp liên ngành như lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Công an... mà điều cốt yếu chính quyền các cấp phải vào cuộc tích cực.
Trước tiên, các địa phương vùng ven biển sớm xây dựng đầu cầu nhắn tin SMS để có thể liên lạc thuận lợi với các phương tiện hoạt động trên biển. Và không thể muộn hơn là xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với tất cả lực lượng TKCN trên biển