Câu chuyện người quản lý

Tìm giải pháp xóa nhà lụp xụp trên kênh rạch

Thứ Hai, 24/11/2014, 11:11
Để thực hiện xóa nhà lụp xụp trên và ven các tuyến kênh rạch, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân, đồng thời xử lý ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước… ngay từ năm 2006, TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch di dời 15.000 căn nhà thuộc diện này và đặt mục tiêu sẽ hoàn tất vào năm 2010.

Nhưng theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, thành phố cũng mới chỉ di dời được 10.356 hộ dân của 26 dự án trên địa bàn 13 quận, huyện. Đến nay thành phố vẫn còn tới 4.420 căn thuộc diện phải giải tỏa, di dời. TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu sẽ hoàn tất di dời, giải tỏa toàn bộ số lượng nhà lụp xụp trên vào cuối năm 2015. Thời gian thực hiện chỉ còn hơn 1 năm, với số lượng nhà rất lớn cần giải quyết như vậy, thành phố sẽ khó có thể hoàn thành nếu không có những giải pháp ưu đãi đặc biệt. 

Nhìn lại 8 năm qua, bình quân mỗi năm TP Hồ Chí Minh chỉ di dời, giải tỏa được hơn 1.400 căn. Trong 4 năm gần đây chỉ có hơn 3.000 căn được di dời, giải tỏa, bình quân mỗi năm cũng chỉ thực hiện được trên 750 căn. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do thiếu vốn ngân sách và khó trong thu hút đầu tư từ bên ngoài...

Trong khi đó, phần lớn nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hầu như làm trên đất lấn chiếm; không được cấp sổ; không được xây dựng kiên cố nên khi phải di dời, số tiền đền bù, hỗ trợ hầu như không đủ để người dân trả tiền mua nhà mới càng khiến việc giải tỏa, di dời thêm khó.

Để gỡ vướng về vấn đề này, Sở Xây dựng và những quận, huyện có liên quan trong việc di dời, giải tỏa nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch đã thống nhất giải pháp thu hẹp hành lang giải tỏa. Nếu như trước đây bề rộng giải tỏa tính từ bờ kênh, rạch là 20m, thì nay được đề nghị giảm xuống còn 7,5m. Với “quy chuẩn” này, kinh phí phải chi cho việc giải phóng mặt bằng giảm còn khoảng 25 – 30% so với trước đó. Nhưng để xóa dứt điểm nhà số lượng trên và ven kênh rạch còn lại, ít nhất TP HCM cũng phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng trong vòng chỉ có 1 năm. Đây là điều bất cập trong tình hình ngân sách hiện nay. Khả năng, thành phố vẫn sẽ tiếp tục phải thực hiện theo cách đổi đất lấy nhà tái định cư. Thời điểm thị trường căn hộ đang khởi sắc hiện nay, giải pháp này chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư dự án tham gia.

Vấn đề là thành phố bố trí quỹ đất ở những địa điểm hấp dẫn và có cơ chế khuyến khích đặc biệt để thu hút nhà đầu tư… mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng hàng ngàn hộ dân vẫn đang phải sống trong các căn nhà lụp xụp không đảm bảo vệ sinh môi trường; đối mặt với nguy cơ mất an toàn do phải sống chung với “hà bá”

Đ.Thắng
.
.
.