Tìm giải pháp bù đắp cát để chống sạt lở bờ biển Cửa Đại
UBND tỉnh Quảng Nam cùng chính quyền TP Hội An và các doanh nghiệp có công trình trong khu vực bị xâm thực đã xây dựng kè, gồm nhiều lớp. Đến nay, các đơn vị thi công đã kè được gần 1km bờ biển, kinh phí khoảng 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, bờ kè này không chịu nổi sự tàn phá của sóng dữ.
Tại hội thảo, theo nhận định của GS.TS. Hitoshi Tanaka (Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản), một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở bờ biển Cửa Đại là do xây dựng quá nhiều các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn gây thiếu hụt nguồn cát. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác cát ở trên sông, cửa sông, cửa biển cũng góp phần gây mất cân đối bùn cát. Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải bổ sung lại khối lượng bùn cát bị thiếu hụt do hồ chứa thủy điện chặn ở phía thượng nguồn và do hoạt động khai thác cát ở cửa sông, cửa biển gây ra.
Phương pháp kè đang thực hiện tại bờ biển Cửa Đại không ngăn được tình trạng sạt lở tiếp diễn. |
Không đồng tình với một số ý kiến cho rằng tình trạng sạt lở bất thường ở bờ biển Hội An là do biến đổi khí hậu, PGS.TS. Trần Thanh Tùng (Khoa Kỹ thuật biển, Trường Đại học Thủy lợi) cũng nhận định, biến đổi khí hậu diễn ra trong thời gian rất dài, trong khi hiện tượng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra rất đột ngột và liên tục trong một thời gian ngắn. Vì vậy, nguyên nhân là do thiếu hụt một lượng lớn bùn cát do các thủy điện chặn ở phía thượng nguồn là có cơ sở. Việc các rừng dương ven biển trước đây bị “khai tử” để xây dựng các công trình du lịch ven biển cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xói mòn, sạt lở…
PGS.TS Trần Đình Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) bổ sung thêm, việc nạo vét cửa sông để thông dòng chảy mà các tỉnh miền Trung hiện nay đang thực hiện cũng góp phần gây thiếu hụt bùn cát khiến hiện tượng xói lở bờ biển càng thêm nghiêm trọng. Các đại biểu tại hội thảo thống nhất rằng, nếu muốn giải quyết được vấn đề xói lở bờ biển Hội An, về lâu dài cần phải hiểu thấu đáo nguyên nhân để đưa ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó có giải pháp bù đắp cát ở bờ biển như Nhật Bản đã thực hiện.