Tiêu tiền cũng…khó

Thứ Bảy, 29/09/2012, 12:18
Mới đây, khi Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân đăng đàn nói về chuyện thay đổi cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ, người ta mới hay, tiêu tiền cũng lắm điều phức tạp.

Bộ trưởng bảo, khoa học công nghệ không thiếu tiền. Bằng chứng là hằng năm, 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,5% GDP) được dành cho khoa học công nghệ, so với khu vực và thế giới, đó không phải là tỉ lệ nhỏ. Vướng mắc lại nằm ở chỗ tiêu tiền, bởi hằng năm, số tiền mà ngành phải trả lại ngân sách Nhà nước do không giải ngân hết là không nhỏ.

Vì sao khó tiêu tiền? Theo quy định hiện nay, ngày 31/7 hằng năm là thời điểm Bộ Khoa học – Công nghệ phải tập hợp danh mục các đề tài gửi lên Bộ Tài chính để dự trù ngân sách, mỗi năm Bộ Tài chính chỉ duyệt một lần. Vì thế những đề tài cập nhật sau thời điểm 31/7 sẽ phải chờ thêm 1 năm nữa. Bộ trưởng Nguyễn Quân quả quyết, khoa học công nghệ có tính chất đặc thù nên cơ chế chi theo dự toán là rất khó. Nhà khoa học muốn được rút tiền thì phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, trong khi nghiên cứu cần quá trình dài, không thể quyết toán theo từng công đoạn. Khi ấy, nhà khoa học chỉ lo hợp thức hóa chứng từ, còn rất ít thời gian cho nghiên cứu.

Ông Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm, 2% tổng chi ngân sách được dành cho khoa học công nghệ nhưng thực chất Bộ Khoa học – Công nghệ chỉ quản lý khoản tiền rất ít ỏi, số còn lại vẫn nằm ở Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Bởi vậy, khi có dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học nào chất lượng nhưng chưa nằm trong danh sách đã được phê duyệt tài chính, Bộ không thể chủ động hỗ trợ. Ngành khoa học muốn được tự chủ nhiều hơn.

Đành rằng cơ chế hiện nay đang làm khó việc tiêu tiền của ngành khoa học. Thế nhưng cũng lại phải nhìn nhận một thực tế, từ 2006-2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trong suốt năm 2011 không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Trong khi đó, Nhật Bản có tới 46.139 bằng sáng chế. Ngay như ở Đông Nam Á, Singapore cũng có tới 647 bằng sáng chế được đăng ký. Bằng sáng chế là chỉ số trung thực, khách quan thể hiện trình độ phát triển khoa học công nghệ của một quốc gia.

Tiền vẫn rót đều hằng năm, vậy mà sao quốc gia 87 triệu dân với hơn 9.000 Giáo sư, Phó giáo sư, hàng trăm ngàn Tiến sĩ, Thạc sĩ như Việt Nam lại không có nổi một bằng sáng chế trong suốt năm 2011? Thực tế này khó chấp nhận, hay nói như một số người là “đáng hổ thẹn”. Đó là minh chứng cho thấy rõ khoa học đã tiêu tiền không hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh không phải không có lý khi nói rằng, tiền vẫn đang đợi các nhà khoa học ở trong kho bạc. Nhưng ngân sách Nhà nước không thể chi tiền một cách vu vơ cho các ý tưởng còn chưa rõ ràng. Các nhà khoa học muốn nhận tiền sớm thì phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng đề tài, khi đã được phê duyệt thì chỉ việc tới kho bạc rút tiền. Trong năm 2012, khoa học vẫn còn 400 tỉ đồng.

Vậy mới hay, tiền ít hay tiền nhiều chưa hẳn là đáp số cho bài toán. Quan trọng nhất là tiêu tiền như thế nào. Khoa học công nghệ được xác định là động lực để cất cánh đất nước trong giai đoạn hiện nay, nhưng xem ra, với trình độ hiện tại, việc đưa khoa học công nghệ của Việt Nam lên ngang tầm các nước trong khu vực cũng chỉ là hi vọng lạc quan

Hà Ly
.
.
.