Tiếp tục tìm cách bảo vệ làng cổ Đường Lâm

Thứ Sáu, 14/06/2013, 09:04
Ngày 13/6, Sở VH,TT&DL Hà Nội tiếp tục chủ trì hội thảo về phương án Quy hoạch bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của GS Phan Huy Lê, PGS.TS. Đặng Văn Bài, PGS. Đặng Mai Hùng, TS. Lưu Minh Trị, GS. Trần Lâm Biền…
>> Sớm có giải pháp cho làng cổ Đường Lâm

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhấn mạnh: Vấn đề quy hoạch làng cổ đã được đặt ra từ khi Đường Lâm được công nhận, nhưng vẫn chưa được hoàn thành. Các cơ quan cũng chậm đưa ra các chính sách để bà con được bảo vệ quyền lợi trong chính ngôi làng cổ của mình. Vì thế, tìm giải pháp tốt nhất cho sự hài hòa quyền lợi người dân, để họ đồng tâm bảo vệ làng cổ, là yêu cầu bức thiết lúc này.

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, người chủ trì đồ án quy hoạch xây dựng làng cổ Đường Lâm, Bộ VHTT&DL đã khoanh vùng bảo tồn gồm 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh, trong đó, trọng tâm là thôn Mông Phụ. Trên cơ sở đó, ý tưởng quy hoạch là giữ trọn vẹn cấu trúc của làng cổ 5 thôn. Trong đó, vùng 1 là thôn Mông Phụ cần giữ trọn vẹn và kiến nghị mở rộng bảo tồn giá trị nguyên gốc đến đền và lăng Ngô Quyền. Nhà ở sẽ được phân làm 4 loại, để có cách ứng xử với từng loại, theo đó, loại 1 và loại 2 cần có chính sách bảo tồn gấp và giãn dân. Khu vực vùng 2 (gồm 4 thôn), tuy giá trị tổng thể rất quý nhưng không đủ khả năng bảo tồn nguyên gốc tất cả, vì vậy, cho phép xây dựng 2 tầng, kiến trúc truyền thống là mái ngói, khuyến khích trồng cây xanh phía trước công trình, không sơn màu sặc sỡ, không để bình inox trên mái. Những nhà xây 2 tầng phải có khoảng lùi với các ngôi nhà được xếp hạng ở đường liên thôn và liên xã từ 8-15m, trong ngõ sâu tối thiểu là 3m. Xây 2 tầng nhưng không được chia nhỏ đất, khống chế chiều cao 2 tầng là 10,2m. Những nhà đã xây 3 tầng kiến nghị thấp xuống với tối đa 2 tầng.

Làng cổ Đường Lâm.

PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh: Trong đề án quy hoạch chưa thấy nhắc đến chương trình phát triển cộng đồng để cải thiện môi trường, giúp cộng đồng đóng góp vào lợi ích quốc gia. Mục tiêu trước hết phải cải thiện điều kiện ăn ở, việc làm, sự bình đẳng cho người dân. Bảo vệ Đường Lâm không chỉ là bảo vệ di sản văn hóa, mà là đầu tư cho ngành công nghiệp không khói. Tiếp cận như vậy thì tin rằng làng cổ Đường Lâm sẽ được gìn giữ như ở Hội An. Ông Bài cũng cho rằng, giữ bằng được yếu tố nguyên gốc trong khu vực 1, nên cần có sự đầu tư của Nhà nước với sự tham gia của cộng đồng. Cần có dự án thiết kế các mẫu để người dân chọn. Còn ở khu vực 2, giữ các đường đi vào khu vực lõi ở mặt đường, còn trong ngõ thì cho xây 2 tầng. Quan điểm này được chuyên gia người Nhật đồng ý vì khi đi, không biết đằng sau có 2 tầng thì du khách vẫn được trải nghiệm nhà cổ. Phải chú ý 3 lợi ích: Lợi ích cộng đồng, nhà làm du lịch và người đi tham quan phải được trải nghiệm.

GS.TS Trần Lâm Biền đồng tình với quan điểm, cần cố gắng bảo vệ tối đa thực tại ở khu lõi di tích, còn người dân muốn xây dựng thì ra khu mới. Người ở lại phải cam kết không tăng số người sinh sống ở khu vực.

Nâng hạng di tích Làng cổ Đường Lâm phải có sự đồng thuận của người dân

Lắng nghe những phản ánh của người dân, trước những tồn tại hiện có trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích Làng cổ Đường Lâm, thành phố Hà Nội khuyến nghị việc lập hồ sợ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và đề nghị UNESCO công nhận “cần được cân nhắc kỹ” và “có lộ trình phù hợp”. Trước mắt, ngành văn hóa Thủ đô cần tập trung xây dựng những cơ chế, chính sách giải quyết các vướng mắc giữa bảo tồn và phát triển hiện nay. Việc đề nghị nâng hạng di tích phải được sự đồng thuận của chính quyền và người dân xã Đường Lâm.

Dạ Miên - Ngọc Yến
.
.
.