Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cư trú:

Tiếp tục quản lý cư trú bằng hộ khẩu

Thứ Bảy, 21/10/2006, 08:51

Một đại biểu Quốc hội cho rằng, mấu chốt của vấn đề không phải là quản lý bằng hộ khẩu hay hình thức khác mà cần "dọn sạch" những quy định, thủ tục "ăn theo" hộ khẩu gây phiền nhiễu, bức xúc cho người dân.

Đó là ý kiến chung của hầu hết các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự án Luật Cư trú chiều 20/10. "Bên cạnh việc bảo đảm quyền cư trú của công dân thì vấn đề cư trú còn liên quan trực tiếp đến yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển phân tích về sự cần thiết tiếp tục duy trình hình thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu.

Loại bỏ những phiền hà "ăn theo" hộ khẩu

Phiên thảo luận chiều 20/10 cho thấy nhiều ý kiến tán thành giữ mô hình quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu như hiện nay. Theo đó, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đối với trường hợp thường trú; sổ tạm trú được cấp đối với trường hợp tạm trú. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc đổi mới mô hình quản lý cư trú theo hướng không cấp sổ hộ khẩu chung cho cả gia đình mà nhập chung sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân thành sổ cư trú để cấp cho từng cá nhân; đối với người chưa thành niên (dưới độ tuổi cấp giấy chứng minh nhân dân) thì có thể cấp độc lập hoặc là cấp theo bố mẹ, người giám hộ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi cơ sở vật chất, kỹ thuật, khả năng của bộ máy quản lý chưa thể đáp ứng được yêu cầu quản lý bằng phương pháp mới thì vẫn cần duy trì phương thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu đối với trường hợp thường trú, sổ tạm trú đối với trường hợp tạm trú.

Việc giữ mô hình quản lý cư trú như hiện nay với những quy định về trình tự, thủ tục đơn giản, với những điều kiện thuận lợi hơn trong đăng ký cư trú, cùng với việc chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện sẽ góp phần bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú; đồng thời vẫn giúp cho công tác quản lý của Nhà nước về cư trú được hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Nghiễm tán thành quan điểm trên và nhấn mạnh rằng mô hình quản lý cư trú phải đảm bảo quyền tự do cư trú cho công dân. Tuy nhiên theo ông, quyền tự do cư trú này phải nằm trong yêu cầu về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Nghiễm thì mấu chốt của vấn đề không phải là quản lý bằng hộ khẩu hay hình thức khác mà cần "dọn sạch" những quy định, thủ tục "ăn theo" hộ khẩu gây phiền nhiễu, bức xúc cho người dân.

Cùng chung quan điểm đó, đại biểu Huỳnh Thị Hường của tỉnh Quảng Nam và đại biểu Lê Thị Dung của tỉnh An Giang cho rằng, hiện nay còn hàng trăm văn bản liên quan đến hộ khẩu cần được rà soát loại bỏ bớt những quy định không cần thiết, gây phiền hà cho dân và thậm chí cần có chế tài cho vấn đề này.

"Thống nhất quản lý cư trú bằng hộ khẩu, nhưng không được để dân phải chịu "hậu khổ". Luật cần có quy định để chấm dứt tình trạng việc sử dụng hộ khẩu để hạn chế một số quyền công dân..." - đại biểu Huỳnh Thị Hường nhấn mạnh. Cụ thể hơn, đại biểu Lê Quốc Trung (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, nếu đã thống nhất không cho phép lạm dụng hộ khẩu thì cũng cần làm rõ lạm dụng hộ khẩu là như thế nào.

Ở nhờ cũng được nhập khẩu

Quy định trong dự thảo mới nhất của Luật Cư trú cho thấy, điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh có một số điểm khác với điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc TW. Theo đó, điều kiện đăng ký thường trú ở các tỉnh đơn giản, chỉ cần điều kiện có chỗ ở hợp pháp thì công dân được đăng ký thường trú; còn đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc TW còn thêm điều kiện phải cư trú ít nhất 1 năm.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sở dĩ cần có sự phân biệt này là vì hiện nay, xu hướng dân cư chuyển về sinh sống, làm ăn ở các thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như khả năng cung ứng dịch vụ ở các thành phố này chưa thể đáp ứng kịp thời, nếu số lượng người chuyển về đó sinh sống quá lớn.

Những trái khoáy phải chỉnh sửa ngay

Về vấn đề này, đại biểu Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh (đại biểu TP Hồ Chí Minh) nới lỏng hơn: Không nhất thiết chủ hộ phải đồng ý bằng văn bản việc mình cho người được ở nhờ, ở thuê đăng ký hộ khẩu mà ngay trong văn bản hợp đồng xác định quyền dân sự về ở nhờ, ở thuê thì văn bản này đã có giá trị pháp lý, nghĩa là người ở thuê, ở nhờ đương nhiên có chỗ ở hợp pháp và họ có quyền đăng ký hộ khẩu. Cách làm này sẽ đơn giản hóa, tránh được rắc rối, phiền hà.

Ông cũng băn khoăn: Có những trái khoáy mà chúng ta chưa giải quyết được. Vừa rồi ở TP Hồ Chí Minh có trường hợp đột tử nhưng vì người này không có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh nên không khai tử được. Trong khi theo quy định thì 4 giờ sau phải khai tử ngay, thành thử tang gia bối rối không biết xử lý thế nào. Đó là những ví dụ bức xúc, không thể để tồn tại kéo dài được.

Giờ ở những thành phố lớn, người dân chuyển đến sinh sống, học tập đông, rất nhiều người không được đăng ký hộ khẩu nhưng họ vẫn quyết không về. "Thú thật với Quốc hội, anh em Công an chúng tôi rất khổ và trăn trở mỗi khi đi giải quyết tình trạng người dân ở không hợp pháp, họ viện đủ cớ không đi, mà đăng ký hộ khẩu thì không đủ điều kiện, thành thử mình giải quyết không tốt lại thành đối đầu là rất nguy hiểm" - đại biểu Phan Anh Minh thẳng thắn tiết lộ tâm tư...

Bá Tuấn - Đăng Trường
.
.
.