Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân: Giá rẻ không chưa đủ
Thừa nhận về tình hình thực tế công tác BHYT toàn dân đang còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc họp lấy ý kiến “Dự thảo đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020” tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, đã bức xúc: “Đi khám BHYT của ta sao quá khổ. Chầu chực từ sáng tới tối chưa xong nên ai mà muốn tham gia BHYT”.
Họp cùng Bộ trưởng, lãnh đạo ngành Y tế của nhiều tỉnh, thành phía Nam cũng cho rằng, chất lượng khám chữa bệnh BHYT và công tác quản lý, điều hành quỹ BHYT còn rất nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì chất lượng dịch vụ y tế của nước ta chưa thu hút được người dân tham gia BHYT, nhiều người dân vẫn chọn khám tư cho tiện lợi thay vì tham gia BHYT dù có thể chi phí khám, chữa bệnh cao hơn. Ngoài ra, thái độ của cán bộ y tế với người khám chữa bệnh BHYT là vấn đề khiến nhiều người từ chối tham gia BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích: BHYT cũng giống như một loại hàng hóa muốn thu hút người dân không chỉ giá rẻ là đủ mà chất lượng cũng phải đảm bảo. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện khiến cho chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo là điều bức xúc nhất hiện nay của người dân. Từ khâu tiếp nhận bệnh, đóng tiền, khám, đến trả kết quả người dân đều phải chờ đợi rất lâu. Việc người bệnh phải xếp hàng từ 4 – 5h sáng để lấy số khám bệnh, phải chen lấn, chờ đợi trong điều kiện nóng bức, chật chội tại các phòng khám khá phổ biến, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành. “Các bệnh viện phải nhanh chóng cải thiện tình trạng này. Phòng khám là bộ mặt của bệnh viện, không thể để hình ảnh này kéo dài” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chất lượng dịch vụ còn yếu kém là rào cản khiến người dân không mặn mà với BHYT. |
Một tình trạng diễn ra phổ biến khá lâu nay đó là trong BHYT tự nguyện, hiện nay hầu như chỉ những người mắc bệnh mạn tính mới mua BHYT nên dễ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT vì bội chi cho những đối tượng này. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh hiện có 800.000 người tham gia BHYT tự nguyện với tổng số tiền đóng BHYT là khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, BHYT phải chi trả chi phí khám chữa bệnh cho các đối tượng này là hơn 1.600 tỉ đồng. Do đó, hầu như số kết dư trong tiền đóng BHYT của các đối tượng khác phải chi trả cho những đối tượng này. Bên cạnh đó, việc Bộ Y tế không quy định thời gian đóng BHYT bao lâu thì được hưởng quyền lợi nên hầu như chỉ đến khi đi khám phát hiện ra bệnh, người dân mới mua BHYT. Đây là điều vô cùng bất cập và không công bằng cho các đối tượng tham gia BHYT.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ điều chỉnh lại danh mục thuốc, danh mục dịch vụ được hưởng BHYT, các quy định về vượt tuyến, phân tuyến kỹ thuật… Theo đó, sẽ căn cứ vào mức đóng và thời gian đóng BHYT của người tham gia để đưa ra các mức hưởng quyền lợi BHYT tương ứng, đảm bảo quyền lợi hài hòa của người dân trong khả năng cân đối quỹ BHYT.
Về giá dịch vụ y tế, hiện Trung ương chỉ đạo Bộ Y tế trong 2 năm tăng giá dịch vụ lên gấp đôi. Hiện nay việc tăng giá dịch vụ mới chỉ xét 3/7 yếu tố và mới chỉ tính một phần. Và việc tiến đến BHYT toàn dân là khát vọng hết sức nhân văn của người dân, đặc biệt đó là niềm mơ ước của người dân nghèo nhưng rõ ràng nó đang là một thách thức lớn, cần sự chung tay của Nhà nước, cá nhân và cả cộng đồng.
Theo dự thảo đề án BHYT toàn dân, đến năm 2015 trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chỉ mới có 63,7% dân số tham gia BHYT. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành tỉ lệ tham gia BHYT còn rất thấp. Trong 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì có đến 10 tỉnh có mức độ bao phủ BHYT chỉ mới khoảng 50%