Tiền tỉ thành... phế liệu

Thứ Tư, 04/04/2007, 11:29
Thực hiện dự án “Tăng cường năng lực giao thông TP.HCM” (trị giá khoảng 3,5 triệu USD), 118 chốt đèn tín hiệu giao thông (mỗi chốt có bốn trụ đèn) đang hoạt động bình thường bị đưa vào kho. Đến cuối tháng 3/2007, chỉ có một số ít được tận dụng, phần lớn sắp thành... phế liệu.

Từ tháng 10/2001 đến tháng 6/2005, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM (gọi tắt là PMU, chủ đầu tư) đã lắp đặt 118 chốt đèn tín hiệu giao thông (THGT) mới thay cho những đèn THGT (trị giá vài chục tỉ đồng) đang hoạt động bình thường.

Số đèn THGT bị gỡ bỏ được sử dụng làm gì? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (nguyên giám đốc PMU) - cho biết đã bàn giao cho Công ty Chiếu sáng công cộng (CSCC) TP HCM quản lý, gần hai năm qua, số đèn THGT này được cất trong kho.

Một lãnh đạo của Công ty CSCC TP nói rằng hầu hết đèn THGT đã bị hư hỏng do ảnh hưởng của quá trình tháo gỡ và thời gian sử dụng đã lâu. Công ty CSCC TP cũng cho biết trong năm 2005 và 2006 đã có một số vật tư được tái sử dụng lắp đặt bổ sung cho các chốt đèn THGT.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết đến cuối tháng 3/2007, trong 118 chốt đèn THGT được thu hồi gồm 24 chủng loại vật tư, mới chỉ có một ít được đưa ra sử dụng.

Cụ thể, trụ đèn THGT cao 2,8m sử dụng lại 36 cái (còn lại 190 cái), trụ đèn THGT cao 3,5m sử dụng lại 13 cái (còn 39 cái), chưa sử dụng gần 20 trụ đèn cao 4-7m, 48 tủ điều khiển, vài tấn dây cáp điện các loại...

Lại đề nghị mua đèn THGT

Lật lại kết luận thanh tra dự án “Tăng cường năng lực giao thông TP.HCM”, Thanh tra Chính phủ nhận định gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị THGT được điều chỉnh từ 124 chốt đèn THGT xuống còn 118 chốt đèn, điều đó làm dư dôi vật tư thiết bị trị giá 50.257 euro, gây lãng phí lắp đặt 1.573 euro và 34,7 triệu đồng.

Nghĩa là bên cạnh 118 chốt đèn THGT cũ đã thu hồi, còn có một số vật tư mới của dự án cũng được PMU bàn giao cho Công ty CSCC TP.HCM đưa vào kho cất giữ.

Khi “truy tìm” số vật tư dôi ra và vật tư dự phòng của dự án, chúng tôi nhận thấy PMU đã sử dụng vốn ngân sách rất lãng phí. Trong số 51 chủng loại vật tư mới của dự án dư ra đến 165 trụ đèn THGT có chiều cao 4,2m và trụ có tay vươn dài 5,7m, với số trụ này người ta có thể lắp đặt cho 41 chốt đèn THGT - gần bằng 30% số chốt đèn đã được lắp đặt trong dự án.

Đó là chưa kể khoảng 7.000m cáp đồng, cáp quang và 124 bộ nhớ FM 27C512Q và nhiều loại vật tư khác còn dư. Chúng tôi vẫn chưa hiểu vì sao lại có số vật tư dôi ra nhiều đến vậy.

Trong khi số vật tư mới cũng như cũ còn trong kho rất nhiều và có thể tái sử dụng, mới đây (giữa tháng 3/2007) trong báo cáo trình UBND TP.HCM về kế hoạch “Phòng chống ùn tắc giao thông trong năm 2007”, Sở GTCC lại đề nghị lắp đặt 21 chốt đèn THGT mới với kinh phí một chốt đèn THGT từ 180-400 triệu đồng, tổng cộng khoảng 5,8 tỉ đồng.

Phải chăng cơ quan quản lý nhà nước đã “quên mất” các loại vật tư trị giá hàng chục tỉ đồng thừa sức lắp đặt cho 21 chốt đèn THGT đang còn nằm kho?

Điều ngạc nhiên hơn, trong báo cáo ngày 23/3/2007 gửi Sở GTCC TP.HCM, Công ty CSCC TP.HCM cho biết đến nay vẫn chưa được giao nhiệm vụ chính thức quản lý vật tư thuộc dự án tăng cường năng lực giao thông TP.HCM.

Đơn vị này phải đề nghị cho thành lập hội đồng giám định để kiểm tra, đánh giá lại các loại vật tư và cho phép tiến hành thanh lý các loại vật tư không thể sử dụng được. Đúng là “của chung không ai khóc"

Theo Ngọc Ẩn - Phương Trinh (Tuổi trẻ)
.
.
.