Tiễn biệt các anh, 18 trái tim quả cảm

Thứ Sáu, 11/07/2014, 18:30
Đúng 11h30 sáng 11/7, lần lượt 18 chiếc xe tang lặng lẽ rời khỏi Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội). Những người lính lặng lẽ cúi đầu chào lần cuối với đồng đội khi xe tang đi ngang qua. Trời bỗng đổ mưa tầm tã như càng nối dài hơn cảm giác chia ly. Không ai nói với ai, chỉ có những giọt nước mắt…
>> Tiễn đưa các chiến sĩ hy sinh trên chiếc Mi-171 về với đất mẹ
>>Nơi ấy, mong linh hồn anh và đồng đội được bình yên

Với đôi mắt thất thần, anh Đỗ Văn Cảnh, quê Thanh Hóa, cha ruột của Đỗ Văn Minh, (SN 1992) – người trẻ tuổi nhất hi sinh trên chuyến bay Mi-171, nói trong xúc động: “Từ nhỏ thằng bé đã thích các trò mạo hiểm, lớn lên nó lại muốn đi học nhảy dù. Trước ngày nó đi, nó còn ngủ chung với tôi. Nó kể chuyện vừa được chuyển hệ dù. Sáng hôm sau, tôi xem ti vi thì nghe tin có tai nạn máy bay. Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi gọi điện ngay cho nó thì không thấy ai trả lời. Tôi vội vã bắt xe lên Hà Nội tìm đến chỗ nó huấn luyện thì mới biết nó đã hi sinh. Vợ chồng tôi chỉ sinh được 2 đứa con, thằng lớn học hành thấp, chỉ đi làm công nhân. Cả gia đình chỉ trông chờ vào thằng Minh. Nó nhập ngũ năm 2010, chỉ sang năm là ra trường, vậy mà…”.  

Trong giờ phút tiễn biệt, hàng nghìn người cùng rơi lệ để tiễn đưa những chiến sĩ tinh nhuệ mang trái tim quả cảm đã hi sinh quên mình.

Nói rồi, người đàn ông mang gương mặt lam lũ này lấy tay lau nước mắt: “Thằng Minh còn chưa kịp có bạn gái. Nó vẫn thường tâm sự với tôi rằng, đợi khi nào ra trường, có công việc ổn định, nó mới yêu rồi cưới vợ. Bà nội nó cũng vừa mất cách đây 3 tháng. Nghe tin nó hi sinh, bà ngoại nó cũng đổ bệnh”.

Từ sáng sớm, chị Đào Thị Yến đã có mặt ở nhà tang lễ. Là chị dâu của Đại tá Hoàng Lại Long – phi công trưởng trên chuyến bay Mi-171, chị Yến nghẹn ngào: “Chú ấy hiền lắm, ngoài công việc thì hết lòng chăm lo vợ con. Chú ấy lấy vợ muộn, đến 41 tuổi mới cưới, nên hai đứa con đều nhỏ dại. Lẽ ra, chú ấy bay chuyến hôm thứ 7 nhưng vì thời tiết xấu nên hoãn lại đến thứ 2. Ai ngờ được đó lại là chuyến bay cuối cùng”.

Nỗi đau tột cùng của thân nhân khi tiễn đưa những người lính quả cảm về đất mẹ.

Chị Hoàng Hồng Thanh – vợ của Đại tá Hoàng Lại Long như chết lặng bên chiếc linh cữu của chồng. Mấy ngày không ăn ngủ được, chị gần như kiệt sức, nhân viên quân y phải thường xuyên túc trực để ổn định sức khỏe và tâm lí. Hai đứa con ngồi cạnh mẹ, đứa con trai út mới 7 tuổi vẫn còn ngơ ngác như không hiểu chuyện gì xảy ra. Có lẽ, nó còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau đột ngột đến với gia đình mình. Giờ đây với sự ra đi đột ngột của anh, không chỉ là mất mát tinh thần, chị phải thay anh là trụ cột cho cái gia đình nhỏ, nuôi 2 đứa con thơ dại. Với người phụ nữ ấy, nước mắt dường như không còn đủ để khóc.

Đại úy Nguyễn Tử Thêm – Cục Kĩ thuật (Quân chủng Phòng không – Không quân), bạn thân với Thiếu tá Lê Thanh Việt - phi công lái phụ kiêm dẫn đường trên không trên chiếc Mi-171 gặp nạn - cũng không khỏi bàng hoàng vì sự hy sinh quá đột ngột của người đồng đội.

Những chiếc xe tang mang vòng hoa trắng cho những người lính trẻ.

Nói về anh Việt, anh Thêm cho biết, Việt là một người rất thông minh, được đánh giá cao về mặt chuyên môn, đặc biệt rất giỏi tiếng Nga. Với niềm đam mê chinh phục bầu trời, Thiếu tá Việt đã trưởng thành từ phi công chiến đấu lái máy bay phản lực… Hoàn cảnh gia đình anh khá đặc biệt. Sự hi sinh của anh để lại người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ. Đứa lớn 6 tuổi, đứa út mới 2 tuổi.

Trời bỗng đổ mưa tầm tã như càng nối dài hơn cảm giác chia ly. Không ai nói với ai, chỉ có những giọt nước mắt…

Buổi lễ truy điệu tập thể bắt đầu lúc 10h30. Trung tướng Nguyễn Văn Thanh – Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, Trưởng ban tổ chức lễ tang xúc động nghẹn ngào khi đọc điếu văn đưa tiễn các đồng đội: “18 cán bộ, chiến sĩ hi sinh là những phi công, cán bộ, học viên, chiến đấu viên ưu tú đã trực tiếp tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng. Sự hi sinh anh dũng của các đồng chí, hành động quên mình của tổ lái khi quyết định điều khiển máy bay đang bị sự cố tránh khỏi khu dân cư để không thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân là hành động dũng cảm, cao đẹp, thể hiện đạo đức, phẩm chất sáng ngời của “bộ đội cụ Hồ” trong thời bình”.

Khi những chiếc linh cữu lần lượt được đưa ra xe tang, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Nói như nhiều người, nỗi đau này khiến trời cũng phải rơi lệ. Đồng đội các anh đã khóc, những người dân hoàn toàn xa lạ với các anh cũng đã khóc. Đó là những giọt nước mắt rất thật. Lìa xa trần thế nhưng hình ảnh các anh sẽ sống mãi trong kí ức của những đồng đội, người thân, bạn bè và nhân dân. Tiễn biệt các anh, 18 người lính, 18 trái tim quả cảm.

Trước đó, ngày 7/7, Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không Không quân) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù cho cán bộ, học viên thuộc Trường Sĩ quan Không quân và Tiểu đoàn 18 đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trên chiếc máy bay Mi-171. Máy bay không may gặp sự cố bất ngờ trên không và xảy ra tai nạn lúc 7h46’ khiến 18 chiến sĩ hi sinh, 3 người bị thương nặng.

Khánh Vy – Lưu Hiệp
.
.
.