Tiệm cầm đồ: Kho chứa đồ gian!

Thứ Hai, 05/03/2012, 09:40
Một chủ tiệm cầm đồ lâu năm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), phân tích: Những kẻ trộm, cướp thường không biết giá trị thực của tài sản mà chúng trộm, cướp được nên chúng vào tiệm cầm đồ và cầm hết giá thì vẫn cao hơn là đem bán cho các cửa hàng. Mặt khác, nếu đem ra bán ở chợ trời thì rất dễ bị phát hiện là đồ gian.

Anh Thanh, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (TP HCM) khẳng định, những người cầm đồ có chút ít kinh nghiệm sẽ dễ dàng phát hiện tài sản cầm cố có phải là đồ gian hay không. Do vậy mà đối với những người làm ăn chân chính sẽ tìm mọi cách để khước từ việc cầm đồ, còn những kẻ hám lợi thì đây là một miếng mồi ngon vì cầm đồ gian bao giờ cũng thu lợi rất cao. Vậy trong số hơn 3.000 tiệm cầm đồ trên toàn địa bàn TP HCM ai kinh doanh chân chính, ai trục lợi từ đồ gian? Chẳng ai có thể thống kê được con số này nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi từ gần chục tiệm cầm đồ trên địa bàn TP HCM thì tiệm cầm đồ mà không cầm đồ gian mới là… chuyện lạ!

Cách đây không lâu khi Công an quận Thủ Đức triệt phá băng trộm, cướp liên tỉnh do tên Lê Văn Đằng (tự Chùa Đằng, 21 tuổi, huyện Phụng Hiệp, TP Cần Thơ) cầm đầu, thì y khai tài sản (chủ yếu xe gắn máy) trộm, cướp được đều đem đến cầm cho tiệm cầm đồ do Nguyễn Thị Vân Anh (ngụ khu phố 8, phường Trường Thọ, Thủ Đức) làm chủ.

Tiến hành kiểm tra tiệm cầm đồ này, cơ quan Công an thu giữ được 20 chiếc xe gắn máy, trong đó có đến 19 xe không rõ nguồn gốc và 1 chiếc xe được xác định trong một vụ cướp. Trước những chứng cứ rành rành, Vân Anh đã hết đường chối cãi. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, số lượng tiệm cầm đồ bị bắt quả tang cầm đồ gian như tiệm của Vân Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì các chủ tiệm cầm đồ gian hiện nay họ rất ranh ma để qua mặt nhà chức trách.

Trong vai người sắp mở tiệm cầm đồ, tôi nhờ một “thổ địa” ở quận Thủ Đức dẫn đến gặp ông H., chủ tiệm cầm đồ trên đường Kha Vạn Cân để học hỏi kinh nghiệm. Do là chỗ quen biết, ông H. không giấu giếm: “Mấy thằng gian bước vào tiệm bao giờ cũng nhìn trước ngó sau, luôn vội vàng gấp gáp và hầu hết chỉ bảo “cầm hết giá”. Khi mình ra giá, chúng kỳ kèo chút ít là đồng ý cầm ngay”.

Theo ông H., hai loại đồ gian ngon ăn nhất hiện nay là laptop và điện thoại di động (ĐTDĐ) đắt tiền. Một laptop còn mới giá thị trường chừng 20 triệu đồng thì cầm khoảng 8 triệu là mút khung; còn điện thoại loại iPhone 4S giá hơn 15 triệu thì cầm 6 triệu là “ok” ngay.

Tiệm cầm đồ có mặt trên mọi nẻo đường ở TP HCM (ảnh chỉ có tính minh họa).

Chờ đến hết thời hạn cầm mang đi tiêu thụ kiếm lời mỗi món vài triệu là cái chắc. “Thế còn xe gắn máy?” - tôi hỏi. Ông H. nhấn mạnh: “Chú em mày nên chú ý các loại xe tay ga đắt tiền như SH, Air Blade… vì rất dễ “dính” giấy tờ giả, không khéo tiền mất tật mang. Những tay cao cơ biết giấy tờ giả vẫn cầm, còn chú em mới ra nghề nên tránh là tốt nhất”.

Tôi thắc mắc: “Làm sao biết là giấy tờ giả?”. Ông H. chân tình: “Chẳng cần phải săm soi giấy tờ gì cả. Chú mày chỉ cần bảo với người đến cầm xin chờ 10 phút để xác minh lại chủ sở hữu chiếc xe. Nếu người gian thì nó rút lui ngay”.

Trước khi ra về, ông H. còn dặn dò tôi rất kỹ là những loại tài sản mà mình nghi ngờ đồ gian thì cần phải bỏ vào kho bí mật và không lưu lại trên sổ sách để tránh việc bị cơ quan Công an kiểm tra. Theo ông H., trong số tài sản mà mình cầm được thường có khoảng 20-30% là đồ gian nhưng do các loại tài sản này không cần phải chứng minh chủ sở hữu nên việc mang đi tiêu thụ rất dễ dàng. 

Vì sao kẻ gian thường chọn tiệm cầm đồ để tiêu thụ? Ông Quân, một chủ tiệm cầm đồ lâu năm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), phân tích: Những kẻ trộm, cướp thường không biết giá trị thực của tài sản mà chúng trộm, cướp được nên chúng vào tiệm cầm đồ và cầm hết giá thì vẫn cao hơn là đem bán cho các cửa hàng. Mặt khác, nếu đem ra bán ở chợ trời thì rất dễ bị phát hiện là đồ gian.

Đã có nhiều quy định về dịch vụ cầm đồ, nhưng trên thực tế rất nhiều cơ sở khi cầm tài sản không đòi hỏi người cầm đồ xuất trình giấy chứng minh nhân dân, không lập hợp đồng mà chỉ lập một biên nhận sơ sài, thâm chí còn không thèm ghi tên người cầm mà chỉ có số biên nhận, loại tài sản và số tiền cầm. Chính sự dễ dãi này đã giúp kẻ gian tiêu thụ đồ gian một cách trót lọt, mà như vậy đã tiếp tay cho tội phạm hoành hành, gây bất an cho xã hội. Thế nhưng, trong thời gian qua, rất ít khi các cơ sở cầm đồ bị phát hiện và xử lý.

Để đảm bảo cho dịch vụ cầm đồ nói riêng và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nói chung hoạt động đúng pháp luật, năm 2010, Bộ Công an đã có Thông tư số 33/2010-TT-BCA quy định: “Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý…”

Phương Tuyền
.
.
.