Tiềm ẩn cao nguy cơ cháy nổ từ các phương tiện thủy nội địa

Thứ Năm, 24/07/2014, 09:40
Từ các vụ chìm tàu Cần Giờ, vụ cháy tàu cao tốc cánh ngầm…cho thấy, công tác đảm bảo an toàn cháy nổ và cứu hộ cho các phương tiện vận chuyển hành khách đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết mùa mưa bão đang đến, công tác kiểm định phương tiện vận chuyển hành khách lưu thông đường thủy nội địa bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, lỗi kỹ thuật, tuổi thọ phương tiện… càng khiến cho du khách lẫn người dân lo lắng và bất an.

Hiện nay, Cảng vụ đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh đang quản lý 289 cảng, bến thủy nội địa. Trong đó, 206 bến thuộc tuyến đường thủy nội địa địa phương, 54 cảng, bến thuộc tuyến do Trung ương ủy quyền và 29 bến thuộc vùng nước cảng biển. Cảng vụ Đường thủy nội địa đã hướng dẫn và cấp phép cho trên 170.000 lượt phương tiện ra vào cảng, bến an toàn với hơn 70 triệu tấn hàng hóa và 6,5 triệu lượt hành khách, góp phần đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa và vệ sinh môi trường tại cảng, bến.

Vấn đề an toàn PCCC đối với các phương tiện thủy nội địa vận chuyển hành khách TP và các tỉnh lân cận hiện đang là vấn đề “nóng” trong mùa mưa bão đang đến. Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra các tàu, thuyền phục vụ khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối về PCCC và các điều kiện an toàn hoạt động đường thủy nội địa. Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra các phương tiện giao thông thủy nội địa vận chuyển hành khách trên các tuyến sông, rạch toàn thành phố. Tại bến thủy nội địa Thủ Thiêm và bến công viên du lịch Bạch Đằng, thời gian qua chấp hành các quy định về an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Một số bến đò nhỏ do UBND quận huyện quản lý được lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra, nâng cao nhận thức, ý thức của chủ bến, đò tàu về an toàn PCCC nên không để xảy ra cháy, nổ. Tuy không xảy ra cháy nổ, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn. Thực tế cho thấy, các tàu nhà hàng nổi đang hoạt động hầu hết đã cũ, cải tạo lại, thời hạn sử dụng đã nhiều năm, cá biệt có tàu đã 25 năm hoạt động. Bài học lớn sau vụ tàu cánh ngầm đã báo động về phương tiện tàu cánh ngầm không đảm bảo. Đối với các bến đò ngang lâu nay hoạt động theo kiểu tự phát, đò nhỏ, nhưng chở nhiều khách, các điều kiện an toàn PCCC&CHCN gần như không đảm bảo.

Lực lượng chức năng PCCC luôn khuyến cáo các phương tiện vận chuyển hành khách thủy nội địa là đối tượng nguy hiểm về cháy, nổ hoạt động đặc thù rất phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Nhưng do quy định, hầu hết là phương tiện có chiều dài dưới 50m, nên việc trang bị phương tiện PCCC hiện đại áp dụng TCVN 5801 - 5:2005 không được thực hiện và cũng chưa có chế tài để xử lý. Các phương tiện tàu khách, phà có niêm yết các nội quy, quy định biển cấm, biển báo, sơ đồ thoát hiểm… nhưng mang tính “bất động”, trong các hành trình thường không thông báo, lặp lại nhắc nhở hành khách. Các nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy từ các nguồn nhiệt, nhiên liệu, máy phát điện, dây dẫn, máy móc quá cũ, hầm máy không đảm bảo quy chuẩn, các phương tiện mang theo trên tàu như bình gas, khí…vẫn còn nhiều bất cập, tùy tiện. Hệ thống thông tin liên lạc còn bỏ ngỏ. Gần đây lực lượng PCCC cùng chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở nên các chủ phương tiện có quan tâm, đầu tư trang thiết bị PCCC, phao cứu sinh, cấm hút thuốc lá. Để đảm bảo an toàn PCCC&CHCN cho các phương tiện thủy, Cảnh sát PCCC phải thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình, mở các lớp tập huấn, cứu hộ, hướng dẫn nhưng các phương tiện thường xuyên di chuyển hoạt động, thông tin liên lạc không cố định. Do đó, nếu xảy ra sự cố về cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CHCN sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai đội hình chữa cháy và cứu hộ do không nắm đặc điểm phương tiện và vị trí hoạt động phương tiện.

Phà ngang.

Cảnh sát PCCC&CHCN đưa ra áp dụng một số giải pháp trong thời gian mưa bão đang đến gần để bảo đảm an toàn cháy nổ cho các phương tiện vận chuyển hành khách đường thủy nội địa như: phát tờ rơi, phát động phổ biến trực tiếp, gián tiếp thường xuyên, để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các cảng bến và chủ phương tiện, nhân viên trên tàu, hành khách. Các phương tiện tàu nhà hàng du lịch, tàu chở khách du lịch đường dài liên tỉnh phải trang bị hệ thống chữa cháy bán tự động bằng khí cho khu vực buồng máy để chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến.

Cảnh sát PCCC&CHCN TP HCM tăng cường công tác phối hợp, kết hợp với Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng Cảng, các phòng Cảnh sát PCCC, phòng CSGT đường thủy Công an các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bà Rịa -Vũng Tàu để nâng cao hiệu quả quản lý PCCC đối với các phương tiện giao thông thủy nội địa, khi xảy ra sự cố cháy, nổ ở các vùng giáp ranh thành phố. Mới đây, Trạm Cảnh sát Đường thủy Rạch Cát (PC68 CATPHCM) là đơn vị bảo đảm TTATGT trên 06 tuyến sông chính, tổng chiều dài 60km gồm: Kênh Đôi, Tàu Hũ, Cần Giuộc, Chợ Đệm-Bến Lức, kênh Xáng Lý Văn Mạnh-An Hạ và nhiều tuyến kênh rạch ngang, dọc và hơn 30 cầu đường bộ lớn nhỏ, bắc qua các sông, mật độ lưu thông đường thủy khá cao.

Đề phòng TNGT đường thủy từ các phương tiện đâm va vào cầu đường bộ trong mùa mưa bão, CSGT Trạm Rạch Cát đã tổ chức tuyên truyền cho các chủ cảng, bến, người điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa tại khu vực cảng bến thủy nội địa một số biện pháp phòng ngừa. Trạm Rạch Cát cũng đã phát động, triển khai thực hiện cuộc vận động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, yêu cầu các chủ bến, cảng VLXD, hàng hóa, người điều khiển phương tiện ký cam kết sẽ chấp hành tốt Luật GTĐTNĐ để không xảy ra tai nạn

Hoàng Châu
.
.
.