Tiềm ẩn TNGT trên tuyến đường đèo Phú Gia và Phước Tượng

Chủ Nhật, 07/09/2014, 14:25
Trước vụ việc xe khách giường nằm Sao Việt BKS 29B-085.82 chở 53 hành khách gặp nạn rơi xuống vực sâu tại địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, vào tối 1/9, làm 12 người chết, 41 người bị thương đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các tài xế lái xe chạy đường dài qua những tuyến đường đèo nguy hiểm. Trong đó, có những “cung đường đen” qua các tuyến đèo thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Tuyến QL1A qua đèo Hải Vân không còn là nỗi ám ảnh về TNGT với các tài xế xe khách kể từ khi hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, qua khỏi cửa hầm phía Bắc vẫn còn 2 tuyến đường “leo” đèo Phước Tượng và Phú Gia, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đây cũng là những cung đường đèo khá hiểm trở, tiềm ẩn TNGT luôn rình rập.

Trong đó, đường đèo Phước Tượng dài 3,2km, với độ dốc 7%; đèo Phú Gia 2,3km, độ dốc lại lớn hơn (8%). Đáng lo ngại, bất chấp những lời cảnh báo TNGT và biển báo yêu cầu chạy chậm, cấm lấn đường trên 2 tuyến đường đèo này, nhiều tài xế vẫn cố tình cho xe lao vun vút, dù phía bên kia là vực sâu thăm thẳm; đặc biệt là cánh tài xế chạy xe khách Bắc – Nam.

Trong 2 ngày 4 và 5/9, chúng tôi có mặt trên 2 tuyến đường đèo Phước Tượng, Phú Gia và ghi nhận nhiều xe khách giường nằm chạy các tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Huế- Nha Trang; Huế- Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh)... “chạy ẩu”, khi rồ hết ga để vượt mặt những chiếc xe tải đang cố “bò” lên dốc để vượt đèo Phú Gia. Chứng kiến cảnh này, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi bảo rằng: “Chỉ có tài xế phê ma túy mới dám chạy liều như thế!”. Bởi lẽ, nhiều đoạn cua tay áo trên đèo Phú Gia rất hẹp, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi với vô số xe tải, xe container chạy ngược chiều nhau.

Những khúc cua tay áo ở đèo Phú Gia luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Nhờ sự giúp đỡ của các CBCS thuộc Đội tuần tra kiểm soát số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi các anh đang lập chốt kiểm tra xe quá tải, xe khách chạy quá tốc độ dưới chân đèo Phú Gia, chúng tôi mới có cơ hội trò chuyện với tài xế Phạm Minh Chung (36 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên), lái xe khách giường nằm Phượng Hoàng mang BKS 89L-1016 chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn.

Theo nhận định của anh Chung, so với các đoạn đường đèo qua khu vực miền Trung thì đèo Phú Gia có nhiều đoạn cua tay áo, đổ dốc rất gấp và cực kỳ nguy hiểm. “Nếu chạy với tốc độ trung bình thì tôi phải mất khoảng 25 phút để cho xe vượt qua tuyến đèo này. Tuy nhiên, hơn 10 năm cầm vô lăng, vẫn có những lúc mà mình chủ quan, cho xe đổ đèo nhanh để về bến cho kịp giờ. Lúc đó, vì áp lực thời gian nên nhiều khi cánh tài xế như mình lại quên đi sự an toàn cho hành khách trên xe”, tài xế Chung thừa nhận. Nhiều tài xế còn thổ lộ rằng, đoạn cua từ km 884+700 đến 885+200 trên tuyến đèo Phú Gia là đoạn cua nguy hiểm nhất trên hành trình “thiên lý Bắc - Nam” của họ. Nơi đây cũng đã từng xảy ra nhiều vụ TNGT mà nguyên nhân là do sự chủ quan, bất cẩn của tài xế khi xe đổ dốc.

Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào ngày 18/1/2014 khi xe tải mang BKS 77C-038.17 chở gỗ xoan qua đèo Phú Gia bị mất phanh, tụt dốc đâm vào xe khách BKS 43B-011.06 chạy tuyến Đà Nẵng - Huế do tài xế Phạm Xuân Thủy (46 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, TP Đà Nẵng) điều khiển. Cú đâm bất ngờ làm xe khách chở theo 18 người văng vào sườn núi, dù xe khách nát bét phần hông bên phải; nhưng rất may không gây ra thương vong về người. Sau đó, ngày 18/3, cũng tại địa điểm này lại xảy ra vụ TNGT gây tắc đường nhiều giờ khi xe tải BKS 77C-023.49 do tài xế Lê Văn Hậu (trú tỉnh Bình Định) điều khiển qua đoạn cua tay áo phía Bắc đèo Phú Gia thì bất ngờ xe mất phanh, đâm vào đuôi xe tải BKS 75C-028.14 chạy cùng chiều phía trước rồi húc đổ tường hộ lang và lao xuống vực sâu. Lúc đó, tài xế Hậu nhanh chân nhảy ra khỏi cabin nên mới thoát chết trong gang tấc.

Là người trực tiếp đến hiện trường để điều tra nguyên nhân của hàng trăm vụ TNGT lớn nhỏ trên đèo Phú Gia và Phước Tượng trong nhiều năm qua, Thiếu tá Trương Như Hải, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận định: “Nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vụ TNGT trên tuyến đường qua 2 con đèo Phú Gia và Phước Tượng là do đường đèo quá nhỏ và hẹp; mặt đường xấu và khi lên đèo, nhiều tài xế lái xe chở hàng quá tải lại cố tình phóng nhanh, vượt ẩu...”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hồ Quốc Văn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cho biết, trước những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT trên 2 tuyến đèo Phước Tượng và Phú Gia, lãnh đạo đơn vị luôn bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát và đo tốc độ, quay hình xử phạt những trường hợp chạy lấn đường, đậu đỗ trái quy định trên đèo.

“Kể từ khi trạm cân di động được đưa vào hoạt động thì số vụ TNGT xảy ra trên đèo Phước Tượng và Phú Gia cũng đã giảm. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vụ TNGT là bài học cho các tài xế khi vượt đèo ẩu, không làm chủ tốc độ, chủ quan trong điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà vụ TNGT của xe khách Sao Việt ở Lào Cai là một minh chứng nhãn tiền”, Trung tá Văn khẳng định

Lê Anh
.
.
.