Tịch thu phương tiện sẽ hạn chế đua xe trái phép

Thứ Sáu, 24/02/2012, 12:17
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Đối với các đối tượng đua xe trái phép, nếu đơn thuần phạt chỉ là tạm giữ phương tiện, xử lý hành chính rồi lại trả về thì sẽ không hiệu quả, chỉ như là bắt cóc bỏ đĩa. Vì vậy, quan điểm của Bộ Công an là bất kỳ phương tiện gì phục vụ cho việc đua xe trái phép, dù là đi mượn hay của ai đi chăng nữa thì cũng nên tịch thu.

Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của “Nghị định số 34/2010/NĐ-CP được Bộ Giao thông - Vận tải chuẩn bị trình Chính phủ có đề xuất tịch thu phương tiện đua xe trái phép. Trong đó, việc đua xe đạp, xe súc vật kéo cũng bị xử phạt nặng, đặc biệt là tịch thu phương tiện đua xe. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau. Vậy, hướng nào xử lý vi phạm vừa hợp tình, hợp lý lại đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật?

Đề xuất mức phạt tiền cao nhất: 30 triệu đồng - 40 triệu đồng  

Điều 37 Dự thảo sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đề xuất mức xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép: Phạt tiền từ 1– 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép; đua xe đạp, đua xe máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông. Mức phạt này được tăng nặng gấp đôi so với mức phạt đang thực hiện.

Đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ cũng được nâng mức phạt tiền lên mức từ 4–6 triệu đồng. Phạt tiền từ 10–20 triệu đồng đối với người đua xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép. Phạt tiền từ 20–30 triệu đồng đối với người đua xe ôtô trái phép.

Đối với hành vi đua xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ và tổ chức đua xe trái phép thì sẽ bị phạt tiền ở mức 30–40 triệu đồng. Ngoài mức tiền phạt tăng nặng như trên, người đua xe sẽ bị tước giấy phép lái xe và tịch thu xe không phân biệt chủ sở hữu (trừ súc vật kéo, cưỡi).

Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông sẽ hạn chế được vi phạm.

Tịch thu xe sẽ hạn chế đua xe

Một trong những đề xuất khiến nhiều người quan tâm chính là mức xử lý: “Tịch thu xe không phân biệt chủ sở hữu”. Có ý kiến cho rằng, nếu đối tượng mượn xe để đua xe thì việc tịch thu là không hợp lý vì đó là tài sản của người khác.

Ông Nguyễn Văn Nam ở quận Đống Đa, Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi cho cháu mượn xe mà không hề biết nó dùng làm phương tiện đua xe. Vì thế, nếu sau khi cháu tôi bị Công an bắt và giữ xe thì nên trả lại xe cho tôi. Bởi tôi mới là chủ sở hữu chiếc xe. Cơ quan Công an chỉ nên xử lý đối tượng đua xe là cháu tôi thôi”.

Còn anh Phạm Hồng Nam, ở quận Hai Bà Trưng thì cho rằng, cơ quan chức năng phải tịch thu xe dù xe đó là của ai thì mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu có mức tịch thu xe thì chủ sở hữu xe cũng sẽ quản lý xe tốt hơn, hạn chế được phần nào việc vô tình tiếp tay cho người đua xe.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND sáng 23/2 xung quanh vấn đề trên, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Đối với các đối tượng đua xe trái phép, nếu đơn thuần phạt chỉ là tạm giữ phương tiện, xử lý hành chính rồi lại trả về thì sẽ không hiệu quả, chỉ như là bắt cóc bỏ đĩa. Vì vậy, quan điểm của Bộ Công an là bất kỳ phương tiện gì phục vụ cho việc đua xe trái phép, dù là đi mượn hay của ai đi chăng nữa thì cũng nên tịch thu. Còn sau này vấn đề giữa gia đình và cá nhân bị tịch thu phải có trách nhiệm giải quyết với nhau. Phải xử phạt như vậy mới thỏa đáng, mới mong ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cũng cho biết thêm, các phương tiện này sau khi bị tịch thu, thì nên tiêu hủy, nếu mang bán đấu giá thì cũng chỉ như “đánh bùn sang ao”. “Còn việc này có lãng phí hay không, tôi cho rằng vấn đề cuối cùng đảm bảo tài sản và tính mạng của con người là trên hết. Làm như vậy, mới thể hiện nhà nước có pháp quyền nghiêm túc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi vậy, việc tăng mức xử phạt, xử phạt nghiêm khắc hành vi này sẽ giảm bớt được những nguy cơ trên, giữ tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo an toàn cho xã hội

Huyền Hà
.
.
.