“Tích hợp” môn học phải thận trọng!
>> “Tích hợp” môn học có thật sự giảm tải chương trình
Vì sao chương trình phổ thông quá nặng mà lại nghèo nàn về nội dung?
Báo CAND ra ngày 25/10 có đăng bài “Tích hợp” môn học, chương trình có thực sự giảm tải?”. Câu hỏi này đang được nhiều nhà khoa học tìm câu trả lời. TS. Nguyễn Huy Đoan, Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam chia sẻ rằng, ngay với môn toán, một môn học cơ bản, khi thực hiện giảm tải, các tác giả chương trình và SGK toán đã cố gắng bỏ bớt một số nội dung kiến thức, bỏ bớt một số khái niệm phức tạp, giảm số lượng bài tập đến mức tối đa và không chọn những bài tập khó. Thế nhưng, cắt giảm mà chương trình vẫn nặng, giảm tải mà học sinh vẫn học hành nặng nề, nhiều kiến thức thừa vẫn tràn đầy trong các trang sách.
Rõ ràng, cách giảm tải như trên chỉ là hình thức, không phù hợp và thậm chí là phản tác dụng. Nhưng TS. Nguyễn Huy Đoan lại nhận định rằng, chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta còn quá nghèo nàn so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Đó có phải là nghịch lý chăng? Ngay như với môn toán, thì khi xây dựng chương trình, dù theo định hướng nào cũng cần chú ý đến mặt bằng chung kiến thức tiên tiến, liệu pháp “giảm tải” không phải là cắt bỏ mà là thu gọn kiến thức, kết hợp với đổi mới phương pháp tiếp cận.
Bên cạnh đó, cần có cái nhìn xuyên suốt các cấp học, lớp học theo từng chủ đề kiến thức. Nên chăng, khi xây dựng chương trình, cần đưa ra định hướng và những nội dung hạn chế trong các kỳ thi tốt nghiệp và cả thi tuyển sinh đại học. SGK cần quan tâm đến năng lực tự học, năng lực đọc và diễn đạt các nội dung chuyên ngành. TS Nguyễn Huy Đoàn còn kiến nghị, không nên hạn chế số lượng bài tập, bài tập nếu được phân loại hợp lý sẽ giúp giáo viên lựa chọn được bài phù hợp với đối tượng học sinh mà giáo viên giảng dạy.
Một câu hỏi cũng được nhiều phụ huynh đang có con em đi học rất quan tâm: Vì sao chương trình và SGK sau năm 2015 sẽ phải “tích hợp”, tích hợp có phải là phép cộng phổ thông? PGS.TS Trần Trung Ninh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, dạy học tích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích như: giúp học sinh áp dụng được nhiều kỹ năng, nền tảng kiến thức tích hợp giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, khuyến khích việc học sâu và rộng, thúc đẩy thái độ học tập tích cực đối với học sinh…
Sau năm 2015, học sinh tiểu học sẽ không phải học nhiều môn học phụ, thay vào đó là cách học linh hoạt với nhiều gợi mở từ người thầy. |
Nhưng PGS.TS Trần Trung Ninh khuyến nghị, đối với môn hóa, không nên tích hợp ba môn vật lý – hóa học – sinh học thành một môn học mới, vì kiến thức chuyên sâu trong nội bộ mỗi môn học là rất lớn và không phải hoàn toàn tương đồng. Môn hóa có thể tích hợp với các bộ môn khác cũng có nhiều sự liên hệ nhất định như toán, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, giáo dục công dân. Đồng thời phải tăng cường hoạt động tự nghiên cứu của học sinh, tăng cường các giờ thực hành, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, giảm giờ dạy lý thuyết, xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn với thực tiễn có nội dung vận dụng kiến thức liên môn.
Cả thầy và trò đều phải dạy và học linh hoạt, sáng tạo
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm, đối với SGK bậc tiểu học nên triển khai theo trục chủ điểm. Các chủ điểm cần được chọn sao cho gần gũi với học sinh tiểu học, phù hợp với tâm lí của các em và con đường khám phá thế giới của các em, qua đó phát triển nhận thức và kỹ năng giao tiếp cho các em. Hệ thống chủ điểm này cần đảm bảo tính logic nhưng không gò bó và sẽ trở đi trở lại ở các lớp khác nhau với những tên gọi khác nhau, càng lên lớp trên càng sâu sắc.
Với SGK lịch sử, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị, sách phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc sau: môn lịch sử cùng với các môn học ở giáo dục phổ thông phải trở thành nền tảng của giáo dục suốt đời, do đó cách dạy, cách học sẽ có những thay đổi cơ bản. Người thầy dạy sử chuyển từ người cung cấp tri thức sang vị trí người dẫn dắt học sinh tới các nguồn tri thức. Người học thì sẽ chuyển từ cách học cứng nhắc, thụ động sang cách học linh hoạt, theo nhóm với nhiều kênh thu nhận tri thức khác nhau.
Với cấp tiểu học, nên tích hợp bằng cách: chuyển từ học theo thông sử thành kể chuyện lịch sử, chủ yếu là lịch sử Việt Nam, nhưng có kết hợp với những câu chuyện tiêu biểu của thế giới, ví dụ: kể về quốc kỳ, quốc ca, tên gọi của nước ta qua các thời kỳ, về các nhân vật lịch sử, về phong tục tập quán, dân tộc ở mức đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.
Cấp THCS, theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nhiều nước tích hợp nội dung địa lí, lịch sử, kinh tế, xã hội, giáo dục công dân thành một môn học có tên gọi là Tìm hiểu xã hội, hoặc môn Xã hội, môn Nghiên cứu xã hội. Lịch sử ở bậc THPT nên viết dưới dạng chủ đề, như: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; các nền văn minh tiêu biểu; hòa bình và chiến tranh trong thế kỷ XX; bình luận về các nhân vật lịch sử trên thế giới và Việt Nam… Như vậy, viết lại sách sử, cần chú ý đến cả nội dung chính trị và văn hóa, trong đó tinh thần chính là lịch sử dân tộc…
Tại hội thảo, GS.TS Mike Hosley, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục dạy và học, ĐH Central Queensland, Australia chia sẻ: “Nhiều giáo viên hoài niệm thời kỳ sử dụng tài liệu dựa trên cơ sở thông tin và kiến thức cũ. Vai trò của giáo viên rất quan trọng khi thay đổi về chương trình, SGK. Đào tạo giáo viên cần được lồng ghép và tích hợp vào quá trình thay đổi chương trình. Theo kinh nghiệm của tôi, những đổi mới về chương trình thất bại vì ít được theo dõi sau đào tạo giáo viên và đào tạo phát triển nghề nghiệp. Đào tạo giáo viên phải là cốt lõi của quy trình lâu dài thực hiện chương trình và sử dụng ngày càng hiệu quả SGK chất lượng”. |