Tích cực phòng tránh sét đánh và chết đuối cho trẻ em

Thứ Bảy, 03/05/2008, 11:07
Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có một trang web riêng www. thunderstorm.org.vn, trong đó lý giải đầy đủ, chi tiết khoa học về hiện tượng sét đánh và cách phòng tránh.

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần mùa mưa, nhất là dịp học sinh các trường phổ thông được nghỉ hè thì tình trạng trẻ bị chết đuối và sét đánh lại gia tăng.

Cách đây không lâu, người dân thành phố Long Xuyên (An Giang) đã phải chứng kiến một hiện tượng đau lòng khi 4 em học sinh bị sét đánh trong lúc đang trú mưa trong một chuồng bò gần chỗ đá bóng. Hai em Hiếu và Lộc chết ngay tại chỗ, Thuận và Quý bị thương nặng, đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Ở những vùng ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh... cũng thường xảy ra sét đánh chết người, có nhiều nạn nhân là trẻ em khi đi làm đồng cùng bố mẹ gặp trời mưa, trú mưa dưới bóng cây to giữa đồng, chuồng trâu, chuồng bò, nhà bỏ không.

Hằng năm, nhất là dịp nghỉ hè, tình hình trẻ em chết đuối lại gia tăng, không chỉ xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mà ở các tỉnh phía Bắc, số trẻ em bị chết đuối cũng tăng cao. Năm 2005, trung bình mỗi tỉnh có từ 7 đến 25 em bị chết đuối, trong đó có những tỉnh có tỷ lệ trẻ chết đuối cao như Đồng Tháp: 82 em, Bắc Ninh: 52 em, Ninh Bình: 50 em.

Năm 2006, trung bình mỗi ngày có trên 30 trẻ em bị chết do TNTT, phần lớn cũng do chết đuối và tai nạn giao thông, tập trung nhiều ở các tỉnh Nam Định (120 em), Đồng Tháp, Bình Phước (hơn 80 em)...

Mỗi năm nước ta có khoảng 27.000 trẻ em chết vì TNTT, trong đó có 12.700 trẻ em chết đuối, tính trung bình khoảng 35 trẻ em mỗi ngày... Vụ 5 em bé của 3 gia đình ở ấp 6, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai bị chết đuối khi tắm ở hồ Núi Le là bài học lớn cho các bậc cha mẹ khi đưa con đi chơi ở vùng hồ.

Đau lòng hơn khi cả 5 em đều là học sinh khá, giỏi ở các Trường THCS Phan Bội Châu và Xuân Tâm, trong số đó có 3 em là anh em ruột. Sau đó không lâu, 4 học sinh nữ của Trường THCS PleiKần, Kon Tum cũng bị chết đuối trên sông Pô Kô khi đang tắm... Điều đáng nói là gia đình của các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, mô hình xây dựng cộng đồng an toàn đang là giải pháp kịp thời, từng bước hạn chế TNTT tại cộng đồng. Phong trào xây dựng cộng đồng an toàn bắt đầu được thực hiện thí điểm tại một số xã của Hà Nội, Hưng Yên cách đây hơn 10 năm và đã đẩy mạnh triển khai từ năm 2002 ở trên 112 xã của 12 tỉnh trong cả nước.

Hệ thống điều phối cung cấp thông tin cho cộng đồng về sơ cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bắt đầu được thí điểm tại Hà Nội và Huế. Nhiều đội "Tình nguyện viên cấp cứu" là hội viên Chữ thập đỏ, Cựu chiến binh, Công an...

Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có một trang web riêng www. thunderstorm.org.vn, trong đó lý giải đầy đủ, chi tiết khoa học về hiện tượng sét đánh và cách phòng tránh.

Tốt nhất là không nên ra ngoài lúc trời có mưa bão kèm theo sấm sét và không bao giờ được lại gần nơi có dây điện rơi xuống trong và sau cơn bão. Nếu ở ngoài trời khi mưa bão thì phải tìm chỗ trú ẩn an toàn, không đứng ở những khoảng đất trống, rộng rãi như cánh đồng, sân chơi...

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa ra 8 khuyến cáo để các bậc cha mẹ phòng tránh chết đuối cho con em mình như: Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống hố; ở vùng sông nước cần làm cửa chắn và rào quanh nhà; nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại; nên có người lớn đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ.

Khi trẻ bị đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, làm cho nước chảy ra khỏi cơ thể và làm thông đường thở. Nếu trẻ đã bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt một cách kiên trì và nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất.

T.Uyên
.
.
.