Tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam cao, nhưng hiểu biết về nguy cơ lại thấp

Thứ Hai, 08/09/2014, 09:22
Việc thừa cân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, nhưng chỉ 30% phụ nữ biết rằng béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản. Bên cạnh đó, nguy cơ vô sinh ở đàn ông hút thuốc lá cao gấp hai lần người không hút thuốc.

Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn, tức là khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị. Tuy vậy, rất nhiều cặp vợ chồng chưa biết các yếu tố nguy cơ và sự thật về khả năng sinh sản. Đó là lý do để hội thảo về “Hãy thực hiện các bước tiếp theo để có con” được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/9, do Bệnh viện (BV) Nam học -hiếm muộn Hà Nội và Công ty Merck KGaA (Darmstadt - Đức) tổ chức, nhằm tư vấn miễn phí vấn đề hiếm muộn cho các cặp vợ chồng.

Khảo sát về nhận thức sinh sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Merck KGaA Darmstadt đã cho thấy thực trạng về lỗ hổng kiến thức sinh sản của phụ nữ, dẫn đến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc điều trị, do không biết tuổi tác là yếu tố quyết định cơ hội thành công. Nhiều người còn gặp khó khăn trong việc thuyết phục bạn đời cùng đi gặp bác sĩ, nên việc sinh con càng gặp bế tắc. Chưa kể, nhiều cặp vợ chồng Việt Nam chưa có thói quen khám sức khỏe tiền hôn nhân để tầm soát hiếm muộn, vô sinh.

Vì thế, 72% phụ nữ không nghi ngờ về khả năng làm mẹ dù sau 6 tháng cố gắng thụ thai không được, 83% phụ nữ không nghĩ rằng chồng có khả năng vô sinh, 56% phụ nữ không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất được tinh trùng, 60% không biết phụ nữ không có kinh nguyệt sẽ không còn khả năng sinh con. Đặc biệt, có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30, tức là  tình trạng các cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không có thai trong vòng 12 tháng.

Nhiều người hiếm muộn đang được điều trị thành công ở Việt Nam.

Trong khi đó, tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ tương đương nhau, mà phát hiện càng sớm khả năng chữa trị càng cao, chi phí điều trị giảm. Theo nghiên cứu của WHO, các cặp vợ chồng trong độ tuổi 35 tuổi đang cố gắng có con trong ít nhất 1 năm, hoặc trên 35 tuổi đã cố gắng có con trong 6 tháng thì rất có thể đã gặp vấn đề về hiếm muộn. Tâm lý chung của những người gặp phải vấn đề này thường buồn chán, mất mát, sốc, tội lỗi, lo lắng, xấu hổ và dễ bị tổn thương. Những biến động tâm lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bản thân và gia đình. Nó có thể khiến họ rơi vào tình trạng đau đầu, khó chịu, mất ngủ thường xuyên và không có khả năng tập trung, làm tăng căng thẳng trong hôn nhân.

Thông thường, quá trình nỗ lực có con có thể rất khó khăn, nhất là khi những việc họ làm dường như không có kết quả. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng chẳng may rơi vào trường hợp này không biết rằng, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì khả năng có con là rất cao.

Theo các chuyên gia, các yếu tố tác động đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn khá nhiều: Tuổi có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng có con của người phụ nữ. Nhưng chỉ có 36% phụ nữ châu Á biết rằng, phụ nữ độ tuổi 40 ít cơ hội có thai hơn so với một phụ nữ độ tuổi 30. Khi phụ nữ khoảng 45 tuổi, họ chỉ còn ít cơ hội hơn và trên 70% sẩy thai ngay cả khi đã thụ thai thành công với trứng của mình. Tuổi nam giới cũng ảnh hưởng đến khả năng làm cho phụ nữ có thai và tăng nguy cơ bị biến chứng, cũng như tăng tần suất con dị tật bẩm sinh và bất thường di truyền, vì chất lượng tinh trùng của nam giới giảm theo tuổi. Một số nghiên cứu còn cho thấy, tỉ lệ bệnh tự kỷ và tâm thần phân liệt cao hơn ở những đứa trẻ có cha ngoài 40 tuổi.

Cũng theo WHO, việc thừa cân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, nhưng chỉ 30% phụ nữ biết rằng béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản. Bên cạnh đó, nguy cơ vô sinh ở đàn ông hút thuốc lá cao gấp hai lần người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc lá cần gần gấp hai lần số chu kỳ làm thụ tinh trong ống nghiệm so với người không hút thuốc; cần liều hormone glycoprotein cao hơn để kích thích buồng trứng; tỉ lệ làm tổ thấp hơn và thất bại thụ tinh nhiều hơn; khả năng sẩy thai cũng tăng. Uống rượu cũng làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ và nam giới. Ngoài ra, việc nam giới mặc quần lót chật, tinh hoàn tiếp xúc với nhiệt độ quá nhiều, các chấn thương khi chơi thể thao… có thể gây hiếm muộn, vô sinh. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể gây nên vô sinh, hiếm muộn ở cả nam và nữ giới.

Công tác điều trị vô sinh mất rất nhiều thời gian, có khi chỉ 1-2 tháng, nhưng có người phải mất 5-7 năm, thậm chí, có người không bao giờ được làm mẹ. Giờ đây, việc điều trị vô sinh ở Việt Nam đã có nhiều thành tựu được các nước ghi nhận, như tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công ở Việt Nam là 30-60%, bằng hoặc cao hơn ở nhiều nước, đặc biệt là sự kiện 2 bé trai song sinh chào đời vào tháng 12/2013 từ tinh trùng của người cha mất hơn 3 năm trước. Hơn nữa, chi phí điều trị vô sinh ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 các nước. Vì thế, nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam để chữa trị.

Theo ông Alex Wang, TGĐ Merck Việt Nam: “Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và được chọn là nơi tổ chức hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản tháng 4/2014. Do đó, nỗ lực có con là một hành trình hết sức gian truân nhưng nay không còn khó khăn như trước nữa. Những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Quan trọng là các cặp vợ chồng cần có kiến thức về vấn đề sinh sản”

Thanh Hằng
.
.
.