Thuyền chợ trên sông Đà: Nỗi lo an toàn đường thuỷ

Thứ Ba, 03/05/2005, 06:47
Nối giữa các tầng của con thuyền 3 tầng chỉ là một ván gỗ không tay vịn, không lan can bảo vệ. Trên thuyền không có một chiếc phao cứu hộ nào. Chị vợ anh Hậu giải thích là có 20 chiếc, nhưng gia đình vừa mới dọn vệ sinh nên đem... cất đi.

Từ nhiều năm nay, những chiếc thuyền chợ đường dài trên sông Đà là đầu mối giao lưu buôn bán chủ yếu của bà con các dân tộc vùng ven sông. Hàng tháng, thuyền chợ sẽ lần lượt ghé hơn 30 bến chợ phiên từ Sơn La qua lòng hồ sông Đà thu mua nông sản và bán lại đồ dùng sinh hoạt từ Hà Tây lên.

Nhưng gần đây, nhiều chủ thuyền đã tự ý cơi nới thuyền lên cao tới hai, ba tầng để chở khách và hàng, gây nguy hiểm cho tính mạng của hàng ngàn người. Khi di chuyển, những chiếc thuyền cơi nới này không khác gì "tháp nghiêng" hết chòng chành qua trái lại qua phải.

Chúng tôi có mặt trên chiếc thuyền ba tầng của anh Nguyễn Văn Hậu ở cảng Bích Hạ, xã Thái Thịnh, thị xã Hoà Bình. Khoang trước ngổn ngang lồng của ít nhất 50 con lợn giống lẫn lợn thịt, lồng gà, mái lợp xi măng...

Ở cuối thuyền, ngay bên cạnh máy phát điện chạy xăng đang ầm ầm hoạt động là một bếp nấu ăn đỏ lửa, xung quanh là củi đun, chăn bông, can nhựa... Trên tầng 3, nơi mọi thứ đều như sắp bật xuống sông theo nhịp nghiêng của thuyền còn có cả dịch vụ karaoke phục vụ khách.

Những con thuyền chở hàng nặng lặc lè này có thể va quệt bất cứ lúc nào vào mấy trăm chiếc tàu chở dầu, sà lan, bè mảng, thuyền chở khách du lịch, thuyền ngang qua lại hai bên bờ... thường xuyên hoạt động trên sông. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ tự lật của những "tháp nghiêng" được cơi nới không theo một quy chuẩn nào.

Sông Đà vốn có nhiều thác ghềnh, luồng cong cua gấp, nhiều đá ngầm, gốc cây ngầm hai bên bờ. Khu vực nguy hiểm lòng hồ lại chính là nơi bà con các xóm thuộc 9 xã ven sông cần mua bán hàng hoá với vô số nhánh sông nhỏ nằm sâu trong địa bàn rừng núi.

Một cán bộ Đoạn Quản lý đường sông số 9, Cục Đường sông Việt Nam cho biết, địa bàn vùng sâu trong hồ sông Đà chưa có điện thoại, các trạm chỉ liên lạc bằng bộ đàm. Nếu xảy ra tai nạn ở các nhánh sông xa, có thể phải mất... một ngày cán bộ Đoạn mới vào đến nơi để xử lý.

Quý I/2005, Sở Giao thông vận tải Hoà Bình xử lý 79 vụ vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa với số tiền phạt là 8.090.000 đồng. Mức xử lý này có lẽ chưa đủ mạnh và có tính răn đe các chủ phương tiện.

Ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hoà Bình cho hay: Chúng tôi biết việc các phương tiện thuyền chợ dài ngày hoạt động như hiện nay là rất nguy hiểm, nếu xảy ra tai nạn sẽ rất phức tạp. Tuy nhiên, việc lập một trung tâm đăng kiểm, trung tâm đào tạo thuyền viên tại Hoà Bình hiện đang rất khó khăn. Sở đã mời chuyên gia lên tổ chức các lớp tập huấn thuyền viên, nhưng khi kiểm tra có tới 50% người... đi học hộ

Thanh Loan
.
.
.