Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của CAND Việt Nam

Thứ Tư, 12/12/2007, 12:30

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đã từ trần hồi 16h00 ngày 10/12/2007 tại Bệnh viện 30/4, TP HCM sau một cơn bệnh nặng, hưởng thọ 86 tuổi. Trưởng thành từ cuộc chiến đấu với kẻ thù trong các cuộc kháng chiến, đồng chí Cao Đăng Chiếm luôn được Đảng tin cậy, giao phó những trọng trách ở những vùng, lĩnh vực ác liệt và khó khăn nhất.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm sinh năm 1921 ở xã Mỹ Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, một vùng đất giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm và có tinh thần cách mạng quật cường ở Nam Bộ. Ông còn có tên gọi thân mật là Sáu Hoàng, Bảy Chiếm.

Là một thanh niên có tinh thần yêu nước, Cao Đăng Chiếm sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1943, ông tham gia phong trào chống thực dân Pháp xâm lược trong tổ chức Công hội đỏ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông là một trong những cán bộ chỉ huy lực lượng cách mạng chiếm dinh Thống đốc Nam Kỳ (thường gọi là dinh Gia Long, nay là Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh).

Tham gia lực lượng này còn có các đồng chí Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc, sau này là Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Công an, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh), người đã leo lên nóc dinh Gia Long giật lá cờ của địch, treo cờ đỏ sao vàng của cách mạng.

Sau này, hai ông trở thành đồng chí và là bạn chiến đấu thân thiết của nhau trong lực lượng Công an nhân dân.

Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Chính quyền cách mạng chiếm lĩnh quản lý toàn bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong những ngày sục sôi của cách mạng tháng Tám, Đảng đã quyết định thành lập các tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân để bảo vệ phong trào cách mạng và trực tiếp đấu tranh diệt ác trừ gian.

Ở Bắc Bộ có Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ có Sở Trinh sát và ở Nam Bộ có Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức ấy đều làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng và chính quyền non trẻ ở các cấp trong cả nước.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm tham gia lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc và được kết nạp vào Đảng. Sau khi thống nhất các tổ chức Công an trong cả nước, Quốc gia tự vệ cuộc được đổi tên là Sở Công an Nam Bộ.

Trong thời kỳ từ 1945 đến 1953, Đảng nhận thấy đồng chí Cao Đăng Chiếm giàu nhiệt huyết cách mạng, có năng lực lãnh đạo chỉ huy, dũng cảm và mưu trí, phù hợp với công tác an ninh. Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã được bố trí làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ kiêm Trưởng ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm cũng là thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ Giám đốc Sở Công an Phân liên khu miền Đông Nam Bộ.

Năm 1954, Hiệp định Geneva về Việt Nam được ký kết. Từ tháng 8/1954 đến tháng 10/1954, đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến khu Xuyên Mộc.

Tuy nhiên, Mỹ đã hất cẳng Pháp, phá hoại Hiệp định Geneva, đưa Ngô Đình Diệm lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam, chia cắt đất nước ta nhằm thực hiện chiến lược toàn cầu ngăn chặn làn sóng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chiến lược này, Mỹ - Diệm tiến hành cuộc chiến tranh chống lại cách mạng nước ta, đặc biệt là khủng bố lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Nhận thấy âm mưu của Mỹ - Diệm, Đảng đã đề ra nhiệm vụ của miền Nam trong giai đoạn mới của cách mạng. Đồng chí Cao Đăng Chiếm là một trong những cán bộ Công an được Đảng phân công ở lại lãnh đạo lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Đầu năm 1955, căn cứ vào tình hình thực tế đầy khó khăn của cách mạng miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban Địch tình. Nhiệm vụ của Ban Địch tình là xây dựng và chỉ đạo cơ sở điệp báo trong các tổ chức của địch nhằm nắm tình hình để phục vụ sự chỉ đạo cách mạng trong thời kỳ mới.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử làm Phó ban Địch tình và phụ trách hệ tình báo phản gián, tổ chức các mạng lưới điệp báo đi vào các tổ chức trấn áp của địch. Mạng lưới do đồng chí Cao Đăng Chiếm chỉ huy có 5 lưới với mật danh từ MQ1 đến MQ5.

Đến năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển vào một thời kỳ mới. Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử làm Phó Trưởng ban.

Khi Mỹ chuyển cuộc chiến tranh sang giai đoạn mở rộng, đưa quân vào miền Nam, đánh phá miền Bắc, yêu cầu công tác an ninh ở trung tâm đầu não của địch là rất quan trọng. Đồng chí Cao Đăng Chiếm lại được phân công vào khu vực nóng bỏng này và làm Khu ủy viên Đặc khu ủy, Trưởng ban An ninh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (T4) trong hai năm 1965 - 1966 và sau đó trở về Ban An ninh Trung ương Cục làm Phó Trưởng ban.

Từ đó cho đến ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Cao Đăng Chiếm tiếp tục dốc toàn trí, toàn lực của mình cho công tác xây dựng và tổ chức lực lượng an ninh miền Nam trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Lực lượng an ninh miền Nam cùng với sự chi viện đắc lực của lực lượng Công an từ miền Bắc hậu phương đã góp công cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đánh thắng quân xâm lược và chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến, đồng chí Cao Đăng Chiếm cùng các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục đã vạch kế hoạch và chỉ đạo lực lượng an ninh miền Nam tham gia đánh chiếm các cơ quan công an, cảnh sát, tình báo của địch.

Ông cũng được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản phụ trách an ninh nội chính. Chính đồng chí Cao Đăng Chiếm đã thay mặt chính quyền cách mạng tuyên bố cho các nhân vật trong chính quyền Sài Gòn của Dương Văn Minh được trở về nhà sau vài ngày ở Dinh Độc lập.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Cao Đăng Chiếm đuợc bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), phụ trách miền Nam.

Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh bước vào giai đoạn mới. Nhiều tổ chức phản động hoạt động chống phá cách mạng ở miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã cùng đồng bào và chiến sĩ đập tan những âm mưu và hoạt động của địch, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã lãnh đạo, tổ chức lực lượng Công an nhân dân lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có Kế hoạch CM-12, đập tan âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Từ năm 1986 đến khi nghỉ hưu vào năm 1991, đồng chí Cao Đăng Chiếm là Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ. Năm 1989, ông được Nhà nước phong hàm Thượng tướng An ninh nhân dân.

Là một cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ cuộc chiến đấu với kẻ thù trong các cuộc kháng chiến, đồng chí Cao Đăng Chiếm và một số cán bộ xuất sắc khác luôn luôn được Đảng tin cậy, giao phó những trọng trách ở những vùng, lĩnh vực ác liệt và khó khăn nhất.

Cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài và anh dũng của đồng chí gắn liền với lịch sử hào hùng của Công an nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã được tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sau ngày nghỉ hưu, đồng chí Cao Đăng Chiếm trở lại cuộc sống đời thường nhưng ông vẫn quan tâm đến tình hình của đất nước và của lực lượng Công an nhân dân.

Ông rất vui mừng trước sự phát triển của đất nước nhưng cũng rất trăn trở trước những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào cách mạng. Ông cũng băn khoăn trăn trở về những sự hy sinh đóng góp của một số đồng chí, đồng bào chưa được ghi nhận và đãi ngộ xứng đáng.

Trong những ngày lâm bệnh nặng, dù không nói bằng lời được và phải điều trị ở bệnh viện, ông vẫn nỗ lực luyện thở sâu và quyết tâm vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Ông dùng giấy viết những suy nghĩ của mình vì đất nước, vì nhân dân.

Mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện 30/4 và các thầy thuốc giỏi tận tình cứu chữa, nhưng đồng chí Cao Đăng Chiếm đã từ trần trong sự tiếc thương vô hạn của đồng chí, người thân.

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm đã ra đi, nhưng sự nghiệp xuất sắc đầy tự hào vì an ninh Tổ quốc của ông vẫn được nhớ mãi

Nguyễn Khắc Đức
.
.
.