Thương mại điện tử: Ta vẫn thua Tây

Chủ Nhật, 10/12/2006, 08:30

Thống kê 34 ngàn trang web đẩy mạnh giao dịch bằng thương mại điện tử trong vòng 2 năm qua ở Việt Nam, song thật đáng buồn là, các giao dịch lớn đều thuộc về website của các DN nước ngoài.

Theo thống kê của Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) sau khi khảo sát 1.000 doanh nghiệp Việt Nam thì có tới 98,3% DN có website giới thiệu về công ty của mình, 62,5% có website giới thiệu về sản phẩm dịch vụ của DN và 27,4% DN dùng website vào lĩnh vực kinh doanh.

Con số trên là khá lớn so với vài phần trăm của năm 2002. Trong khi giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp không dễ, chi phí nhân công, vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, việc DN đẩy mạnh khai thác Internet vào kinh doanh không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiện ích nhiều mặt.

Tiện thì rất tiện!

Chị Hoàng Thuỳ Dương, chủ một DN kinh doanh các mặt hàng vải và quần áo  (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, mặt hàng vải của công ty được bán ở thị trường toàn quốc, quần áo complê, áo vét cũng được xuất tới nhiều tỉnh, thành phố, nhưng văn phòng quảng bá sản phẩm và giao dịch của công ty lại chỉ là những trang web kết nối từ những chiếc máy tính trong góc xưởng sản xuất.

Mỗi khi DN có chương trình khuyến mãi hay có sản phẩm mới muốn quảng bá tới khách hàng thì đều được đăng tải trên trang web riêng. Nhiệm vụ của các nhân viên kỹ thuật là hàng ngày chào hàng bằng việc gửi mẫu sản phẩm mới hay sẵn có đăng tải trên trang web tới những email mà họ cho là của khách hàng tiềm năng.

Chị Dương tham gia kinh doanh vải và quần áo được 10 năm. 3 năm trước, khi giá xăng dầu chưa tăng cao, nguồn hàng nhập về rất lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhưng khi giá xăng dầu tăng chóng mặt, mỗi bộ quần áo trước đây lãi 7.000 - 8.000 đồng thì nay chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng.

Lãi ít trong khi doanh số bán hàng giảm do người dân phải cắt giảm chi tiêu may mặc và dành tiền vào những nhu cầu khác nên DN của chị đành phải giảm cửa hàng giới thiệu sản phẩm từ 5 xuống còn 2. Thay thế vào đó là những  "cửa hàng ảo" trên các website của công ty.

Nhờ website giới thiệu sản phẩm mà đội ngũ tiếp thị của công ty cũng giảm từ 11 người xuống còn 5 người,  song hiệu quả không hề giảm. Các nhân viên của công ty khi đi giao dịch chỉ cần xin email của khách hàng là họ có thể gửi các mẫu hàng qua mạng để khách hàng tự chọn, và họ có thể phản hồi hoặc thanh toán ngay tức khắc.

Mô hình kinh doanh "nhấp chuột" hiện đã phổ biến tại nhiều nơi trong cả nước. Đó là Ninh Hiệp, Bát Tràng (Hà Nội), Hoa Lư (Ninh Bình), Đồng Kỵ (Bắc Ninh)… Nhờ khâu tiếp thị rẻ, khả năng tiếp cận với khách hàng nhanh mà nhiều DN đã tận dụng khá tốt mô hình kinh doanh trên mạng Internet.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kỹ thuật và Kinh doanh của Công ty New Land, đơn vị chuyên sản xuất các bảng quảng cáo cho hay, nhờ có trang web giới thiệu và quảng bá sản phẩm mà công ty nhận được nhiều hợp đồng lớn từ phía Lào, đây quả là một thành công ngoài sức tưởng tượng đối với một DN nhỏ mới thành lập được 3 năm.

Thực ra, mô hình kinh doanh trực tuyến - "văn phòng ảo trên mạng" đã xuất hiện ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu từ khi Internet mới hình thành. Ngày nay đã quá phổ biến ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Với công nghệ cực kỳ tối tân của điện thoại di động, hệ thống Internet nhanh gọn, rẻ, người làm kinh doanh có thể đi bất cứ nơi đâu làm việc mà không cần ở văn phòng, nhưng vẫn liên lạc được với các đối tác dễ dàng.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, việc kinh doanh không cần văn phòng sẽ trở nên phổ cập trong thời gian tới. Khi đó, mỗi chiếc cặp được "số hoá" sẽ giúp doanh nhân có thể liên lạc dễ dàng với mọi người.

Hiện nay, tại Mỹ, số công ty kinh doanh không cần văn phòng cố định là 7%, chiếm khoảng 25-50% số công việc của họ. Nhưng dự kiến, tới năm 2010, số DN kinh doanh theo kiểu trên sẽ tăng lên 21% và lượng nhân công làm việc bên ngoài văn phòng chiếm 50% thời gian làm việc của họ. Thậm chí, ngày nay, mọi người khi đi nghỉ ngơi ở những nơi xa hay ở nhà cũng vẫn có thể tham gia kinh doanh, liên lạc với khách hàng đều đặn và dễ dàng.

Việc kinh doanh qua mạng Internet phát triển khiến giá thuê mặt bằng kinh doanh ở những nơi sầm uất trước đây giảm theo. Theo ông Nguyễn Trung Hưng, chủ một cửa hàng kinh doanh ở phố Hàng Buồm, trước đây, để thuê được mặt bằng kinh doanh ở đây và các phố xung quanh rất khó khăn dù giá người thuê trả rất cao. Nhưng hiện nay, việc đi thuê không khó, và giá cũng chỉ nhỉnh hơn các nơi khác một chút.

Sự sầm uất của các phố cổ hiện nay so với thời kỳ cách đây 10 năm đã giảm nhiều, một phần là do các trung tâm thương mại, siêu thị cung cấp hàng khắp nơi mọc lên, một phần là do việc kinh doanh của nhiều hộ từ có cửa hàng dẫn tới không cần cửa hàng, điều này cũng cắt nghĩa tại sao giá đất tại các khu phố cổ không còn quá cao như trước kia.

Các DN kinh doanh dựa vào mạng Internet đều có một nhận định rằng, tránh được nhiều thủ tục phiền hà từ các cơ quan hành chính, các nhân viên thuế khiến cho sản phẩm sản xuất ra giá không quá cao, có tính cạnh tranh tốt.

Vẫn còn gặp cản trở

Trong khi giao dịch bằng tài khoản ở các nước phát triển lên tới hơn 90% thì ở Việt Nam tỷ lệ này chưa vượt qua hai con số, điều này cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh ở Việt Nam còn hạn chế.

Nguyên nhân của thực trạng này là do hơn 90% DN Việt Nam là vừa và nhỏ, xuất phát thấp, trình độ của lãnh đạo DN chưa cao nên họ chưa hiểu thấu tính tiện ích của việc "số hoá DN". Ngoài ra, tính hội nhập của các ngân hàng cũng chưa cao.

Thống kê 34 ngàn trang web đẩy mạnh giao dịch bằng thương mại điện tử trong vòng 2 năm qua ở Việt Nam, song thật đáng buồn là, các giao dịch lớn đều thuộc về website của các DN nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, việc mở tài khoản bán hàng ở một số ngân hàng tại Việt Nam có gặp một số trở ngại do không ít ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài khoản bán hàng qua mạng.

Trước thực trạng đó thì DN buộc phải mở tài khoản bán hàng ở các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài mở tài khoản. Điều này đã gây khó khăn cho không ít DN muốn tham gia kinh doanh trực tuyến

Văn Hùng
.
.
.