Thương lắm giáo viên vùng lũ dữ đi qua

Thứ Ba, 19/11/2013, 15:32
Lũ mới tạm rút đi, ngày học đầu tuần học trò các trường mầm non, tiểu học ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn còn bì bõm lội bùn non để đến trường tìm con chữ. Đã 3 ngày qua các thầy cô trắng đêm dựng bàn ghế, cứu sách vở trong lũ xiết, chưa kịp nghỉ ngơi giờ lại vội dốc sức dọn lớp dọn bàn ghế cho học sinh được tiếp tục đến trường. Ngày 20/11 năm nay, thương lắm thầy trò vùng lũ dữ miền Trung.

Mưa lũ đi qua đã để lại những mất mát, đau thương mà phải mất một thời gian dài người dân các tỉnh miền Trung mới có thể ngượng dậy. Lũ qua, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập chìm và hư hỏng, nhói lòng hơn khi những cái chết thương tâm xảy ra khi lũ ập về.

Sau lũ rút, các giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu lại cùng nhau khẩn trương khắc phục hậu quả để các em học sinh được nhanh chóng đến trường.

Những hôm nay, khi thầy và trò khắp cả nước đang hân hoang chào đón ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thì tin dữ liên tiếp cứ ập về. Hai cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hằng Nga (22 tuổi, giáo viên dạy hợp đồng mới được 1 tháng ở trường mẫu giáo xã Kông Lơng Khơng, trú thị trấn Kbang), và cô Trần Thị Hải Yến (trú thị trấn Kbang, giáo viên trường tiểu học Kông Lơng Khơng) bị lũ cuốn trôi. Các đã cô bị dòng nước xiết ở ngầm tràn suối Tà Nang (thôn 10, xã Đông, Kbang, Gia Lai) cuốn đi, khi đang trên đường đến với các học sinh thân yêu.

Vùng tâm lũ, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đến sáng ngày 19/11, vẫn còn 6/18 xã, thị trấn chia cắt bởi nước lũ. Lũ cũng cản ngăn đường chúng tôi khi tìm về thăm cô giáo Lê Thị Kim Hương (Giáo viên lớp 3, trường tiểu học Trương Đình Nam, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc. Vào lúc 17h ngày 16/11, nước lên nhanh, kéo theo lũ quét đã nhấn chìm xã Đại Hưng trong biển nước. Giữa đỉnh lũ, cô giáo Hương trên đường trở về nhà sau một ngày vất vả cứu trường, cứu lớp cùng các đồng nghiệp, cũng bị nước lũ cuốn băng và bị trọng thương.

Mặc cho những thiệt hại nặng nề trong lũ dữ, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh vẫn đến trường truyền con chữ cho các học trò thân yêu.

Thầy Huỳnh Ngọc Ánh, trưởng phòng GD& ĐT huyện Đại Lộc chua xót chia sẻ với chúng tôi, trong số 61 trường tiểu học, THCS và mầm non trên toàn huyện thì đã có đến 43 trường bị ngập trong nước lũ. Đặc biệt, có 11 trường bị ngập sâu từ 1,6 đến 2,0 mét như trường THCS Quang Trung, tiểu học Trương Đình Nam (xã Đại Hưng); trường tiểu học Ngô Quang Tam, Nguyễn Văn Bổng, THCS Nguyễn Huệ ( xã Đại Lãnh); tiểu học Nguyễn Thị Bảy (xã Đại Minh); tiểu học Nguyễn Công Sáu (xã Đại An)… Mặc dầu lãnh đạo Sở GD& ĐT tỉnh Quảng Nam và Phòng GD& ĐT huyện Đại Lộc đã tích cực hỗ trợ thầy và trò các trường trên địa bàn khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt.

Và sáng nay (19/11) đã có trên 80% học sinh được đến trường, nhưng hiện vẫn còn một số trường học bị chia cắt do nước lũ còn ngập ở mức cao. Con số thiệt hại tại các trường học cũng chưa thể thống kê đầy đủ và tiếp tục tăng lên.

Sáng đầu tuần, cô trò trường tiểu học Nguyễn Đức Thiệu đến trường ngoài sách vở mỗi người còn mang theo nào xô, nào chổi và cuốc xẻng. Bởi vẫn dày hàng lớp bùn non khắp sân trường và lớp học. Khi cơn mưa đã tạm ngớt nhường chỗ cho những tia nắng ửng hồng, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh (GV lớp 1B) và các em học sinh vội vã đem chồng sách vở sũng ướt ra hong khô.

Chúng tôi còn được biết, chồng cô giáo Linh là Thiếu tá Lê Nho Tâm phó trưởng Công An huyện Đại Lộc. Trong đỉnh lũ, cả hai vợ chồng cô giáo Linh và đồng chí Tâm vì nhiệm vụ, vì người dân vùng lũ mà đều không có mặt ở nhà. Khi đó, đồng chí Tâm đang phải túc trực 24/24 tại đơn vị Công an huyện để cùng các cán bộ chiến sĩ giúp hàng nghìn hộ dân sơ tán khẩn cấp khỏi vùng lũ dữ. Còn cô giáo Linh, suốt 2 ngày cuối tuần (15-16/11 – PV), khi nước lũ bất ngờ dâng cao, cô phải gửi hai con trai nhỏ (một 7 tuổi một 9 tuổi) cho bà ngoại. Rồi cô vội vã cùng các thầy cô giáo khác túc trực ở trường để lo kê dỡ bàn ghế, bảo vệ tài sản và sách vở cho nhà trường và học sinh. Khi trường lớp đã tạm ổn, bàn ghế được kê cao, cô lại trở về nhà, đón con và lo toan thường nhật. Nhưng hỡi ôi, căn nhà của gia đình cô ngập chìm dưới hơn 1,4m nước bùn.

Học trò trưởng Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu đang phơi những quyển sách sau lũ qua

Thầy Đỗ Xuân Thưởng hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Đức Thiệu cũng chia sẻ với chúng tôi. Mặc dù khi nước lũ lên cao, trường ngập sâu trong nước đến trên 1m. Nhưng ngay sau khi nước rút, rất nhiều thầy cô dù có nhà cửa vẫn còn bị ngập sâu trong nước, nhưng ngay ngày chủ nhật vẫn băng mình đến lớp, đến trường để khắc phục hậu quả cơn lũ cho kịp sáng thứ hai đón các em học sinh đến trường. Do nước lũ lên quá nhanh, lại dâng cao nên dù đã đề phòng từ trước nhưng rất nhiều bàn ghế, dụng cụ học tập và sách vở của các em học sinh ở trường đã bị ướt và hư hỏng.

Tuy vậy, vào sáng thứ hai đầu tuần, 100% các em học sinh đã được đến trường, và được ổn định, không hề bị mất một tiết học nào… Thầy Thưởng còn tâm sự, năm nay không chỉ tất cả giáo viên trong trường chúng tôi và hàng trăm giáo viên vùng rốn lũ Đại Lộc này sẽ không có ngày kỷ niệm 20/11 trọn vẹn. Tất cả mọi tâm sức của các thầy cô bây giờ đều là vì các em học sinh thân yêu. Làm thế nào mà các em vùng lũ không bị mất một tiết học nào, không có bất cứ em học sinh nào phải nghỉ học do hậu quả nặng nề của cơn lũ dữ để lại. Đó mới chính là niềm vui, là món quà quý giá nhất mà trong ngày 20/11 này những người thầy, người giáo viên chúng tôi mong đợi nhất

Hoài Thu
.
.
.