Thương binh Đoàn Thanh Vũ với những phong thư ấm thêm mộ liệt sỹ

Thứ Hai, 24/07/2006, 15:20
Hơn 10 năm nay, công việc thầm lặng của anh là đến các nghĩa trang TP Hồ Chí Minh và nghĩa trang các tỉnh miền Đông Nam Bộ cóp nhặt từng tên, tuổi liệt sỹ biên thư gửi về quê nhà trên mọi miền Tổ quốc. Có rất nhiều gia đình đã tìm lại được mộ liệt sỹ từ những cánh thư của anh.

Anh là thương binh Đoàn Thanh Vũ (ngụ tại 106A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP Hồ Chí Minh), nguyên là chiến sỹ của Trung đoàn Trần Cao Vân, trung đoàn chủ lực đầu tiên chi viện vào chiến trường miền Nam (1964), chiến đấu trên khắp các chiến trường Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, tiến vào giải phóng nội đô Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968. Biết bao đồng đội của anh đã ngã xuống, bản thân anh cũng thương tích đầy mình.

Đất nước đã im tiếng súng, nhưng trong lòng anh thì luôn trăn trở về những đồng đội đã ngã xuống. Có những lúc hình ảnh đồng đội cũ hiện về trong cả giấc mơ, anh đọc cho tôi nghe những vần thơ bất chợt đó: "Giấc ngủ đang say nghe bạn gọi, Bàng hoàng thức dậy chẳng thấy ai, Đêm khuya thành phố đèn vẫn sáng, Có lẽ trong mơ bạn gọi mình".

Câu chuyện anh viết thư gửi về cho gia đình các liệt sỹ bắt đầu từ một lần dự lễ truy điệu đưa các hài cốt liệt sỹ vừa tìm thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất về nghĩa trang thành phố. Người nằm đó là những chiến sỹ bao năm vào sinh ra tử trên các chiến trường với anh. Đêm về, anh nhớ da diết một đồng đội tên Hiền, quê Nghệ An, người giới thiệu anh vào Đảng năm 1964. Anh viết thư về quê thì nhận được tin bạn hy sinh chưa tìm được mộ, đó là những ngày cuối năm 1995. Vậy là anh khoác ba lô đi đến những chiến trường xưa tìm đồng đội.

Cũng chính những ngày rong ruổi trong các nghĩa trang mà anh Vũ biết còn có rất nhiều chiến sỹ nằm lại nơi đây mà chắc gì người thân, gia đình ở quê hương hay biết. Hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, có khi trong giấy báo tử chỉ ghi tên chiến trường, mặt trận, vì lý do bí mật nên cả tên đơn vị cũng là X, Z…

Nghĩ vậy, anh hý hoáy ghi những dòng tên tuổi liệt sỹ vào cuốn sổ tay mang theo. Về nhà, mỗi lúc đêm về, anh lại miệt mài biên thư gửi về quê nhà liệt sỹ báo tin. Và rồi những dòng hồi âm đầu tiên của những người mẹ già, người vợ và những người con của liệt sỹ gửi đến bày tỏ niềm xúc động và tiếp tục nhờ anh giúp đỡ đưa hài cốt liệt sỹ về quê nhà.

Nhận được những dòng hồi âm này, anh như có thêm niềm tin và sức mạnh mới, mặc cho cơn đau vết thương cũ tái phát, anh vẫn hăng say biên thư gửi đi khắp mọi miền. Đó còn là niềm vui giúp anh trả lời được phần nào tiếng gọi thiêng liêng của đồng đội trong những giấc mơ.

Đọc vài phong thư hồi âm trong hàng ngàn bức gia đình liệt sỹ gửi cho anh Vũ, chúng tôi không khỏi xúc động. Bức thư của chị Nguyễn Thị Nga, con liệt sỹ Nguyễn Đức Thọ, quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc hy sinh trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968 có đoạn: "Từ khi nhận được thư bác, cháu chờ tin của ba cháu từng ngày. 29 năm kể từ ngày ba cháu nằm lại chiến trường và cũng 29 năm ấy gia đình không nhận được tin gì về ba cháu nữa…".

Còn bức thư của anh Nguyễn Văn Đoàn, con liệt sỹ Nguyễn Văn Dự ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc bày tỏ: "Hai mươi tám năm trước bố chỉ bồng con trong mười ngày nghỉ phép. Còn hôm nay, ở nghĩa trang này, con xin được bồng bố về lại quê hương…".

Trong cuộc sống thường ngày, những đồng đội cũ, thương binh, gia đình liệt sỹ gặp nhiều khó khăn, anh Vũ không quản ngại cùng với đồng đội khác chung tay giúp sức. Tâm sự với chúng tôi, anh Đoàn Thanh Vũ cho biết, công việc của anh vẫn đang tiếp tục. Anh vui niềm vui của những gia đình thân nhân tìm được mộ liệt sỹ, họ an lòng về những người cha, người anh đã xả thân vì nước.

Những ngày lễ trong năm như ngày Tết cổ truyền, ngày 27/7… anh đều đến thắp hương khắp các nghĩa trang liệt sỹ trong thành phố cho đến tối mịt mới về. Những cánh thư báo tin và nghĩa cử của anh đã góp phần làm ấm lại những nấm mộ liệt sỹ trung kiên, xoa vợi nỗi đau trong thời bình

Bá Dũng
.
.
.