“Thuốc dân tộc cứu nhân vật”

Thứ Hai, 15/01/2007, 13:44
Chỉ với hơn 200 nghìn đồng, người bệnh sẽ được cứu thoát khỏi tất cả các bệnh nan y quái ác đang tồn tại trên đời. Những lời đồn thổi tưởng như vô lý ấy lại đang có thật ở Hải Phòng. Thời gian gần đây đã rất nhiều người đổ xô về thành phố Cảng để tìm mua loại thuốc quý hiếm này.

"Có bệnh thì vái tứ phương", các bệnh nhân đều mong hợp thuốc, hợp thầy, chứng bệnh đeo đẳng mình bao năm sẽ nhanh chóng thuyên giảm, tan biến dù… không biết công dụng thật của "thần dược" ấy thế nào…

Từ những lời quảng cáo đường mật

Trong vai khách tìm mua hàng và cũng muốn trở thành phân phối viên cho mạng lưới bán "thần dược", chúng tôi tìm về thôn Liễu Kinh, xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, bởi nơi đây cơn sốt về loại thuốc quý này đang lên đỉnh điểm. Và, khi thấy chúng tôi muốn tìm mua loại thuốc quý này, không cần hỏi, cả chục người đã vây lấy chúng tôi để… quảng cáo.

Những câu chuyện về sự kỳ diệu lạ lùng của “thuốc dân tộc cứu nhân vật” được mọi người tranh nhau truyền tụng. Nào chuyện ông X bị chứng mất ngủ, người rộc đi như que củi, uống bao nhiêu thuốc Tây, thuốc Bắc, bệnh tình vẫn chẳng hề thuyên giảm, thế nhưng chỉ một lần dùng "thần dược" đã cải lão hoàn đồng.

Để chúng tôi tin những điều trên là có thật, một thanh niên đã chạy về nhà lấy cho chúng tôi xem mảnh nhãn có trên mỗi bịch thuốc quý. Trên mảnh nhãn ấy có ghi tất cả những công dụng của loại thuốc thần thánh này.

Vừa giới thiệu về bài thuốc này, người thanh niên vừa phụ họa: "Thuốc này uống dễ lắm, không đắng cũng không có mùi khó chịu. Người không có bệnh uống cũng rất tốt, da dẻ hồng hào, cân tăng vùn vụt! Còn có bệnh thì khỏi nói. Bệnh gì cũng trị được tuốt, kể cả những bệnh được xếp vào… danh mục nan y!".

Tờ nhãn ghi bằng 2 loại chữ, mặt bằng tiếng Việt và mặt bằng chữ Môn- khơ- me của Campuchia. Đọc mặt chữ Việt, chúng tôi thấy choáng vừa bởi không ngờ "thần dược" lại có khả năng chữa được nhiều bệnh đến thế vừa bởi những lỗi chính tả cũng dày đặc như các bệnh thang thuốc quý có công năng đặc trị.

Ngay tiêu đề của tờ quảng cáo ghi rõ: "Thuốc dân tộc cứu nhân vật"(?). Theo đó, thuốc thần y có cả thảy 18 loại thuốc Bắc, thực vật ở đất nước Campuchia, bao gồm rễ cây, củ cây, vỏ cây bào chế thành bột nghiền để vào bịch. Thuốc do một "thần y" ở tận… Campuchia tên là Kheng-kim-san, địa chỉ là phía Tây Stop (đèn đỏ) Phsa-đơm-kô số nhà 114Eo đường 247 phường Bưng- xa- lang làm ra.

Nhãn hiệu "thuốc dân tộc cứu nhân vật".

Công dụng được in trên tờ quảng cáo của loại thuốc này, ngoài vài chục chứng bệnh đã được liệt kê từ bệnh ngoài da cho đến tiêu hoá, tim mạch, "thần y" còn khẳng định "anh em bị khối u trong bụng do máu" kiên trì dùng cũng sẽ khỏi. Điều lạ lùng nữa, cũng những lời quảng cáo trên nhãn thuốc này, "phụ nữ không có con, phụ nữ đông con" uống thuốc này cũng đều… khỏi cả!

Mặt sau của tờ nhãn là chữ Môn-khơ-me. Trên đó có lôgô hình tròn, in rõ ràng cả tên của "thầy y" Kheng-kim-san bằng chữ La tinh. Bên cạnh lôgô là con dấu bằng mực đỏ nhoè nhoẹt cũng khắc cả tên của "thần y" lên đó.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho biết,  thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện không ít loại thuốc Đông, Tây y không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2005 đến nay, lực lượng thanh tra ngành đã kết hợp với các địa phương phát hiện, bắt giữ 4 vụ vận chuyển, nhập lậu thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

Còn riêng về bài thuốc "Thuốc dân tộc cứu nhân vật" là thuốc không có tên trong danh mục thuốc được phép nhập khẩu, do đó, sự buôn bán loại thuốc này là bất hợp pháp. Công dụng thực tế của loại thuốc này, theo ông Hải thì chưa có sự kiểm chứng đáng tin cậy nào, vậy nên những điều "quảng cáo" trên nhãn của thuốc cũng như những lời đồn thổi trên thị trường là không có cơ sở.

Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hải Phòng đang tích cực vào cuộc nhưng cho đến giờ vẫn chưa lần ra được đầu mối cung cấp thuốc. Cảnh báo từ cơ quan y tế, khi chưa có những kiểm chứng chính xác thì người dân không nên tin dùng loại thuốc này để tránh cảnh tiền mất mà tật vẫn mang

Thanh Đào - Lâm Ngọc
.
.
.