Thực phẩm “năng lượng rỗng” đang làm gia tăng trẻ béo phì
Ngày 29/8, thông tin từ bác sĩ Tôn Nữ Thu Trang, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện mỗi tháng Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận và tư vấn cho khoảng 200 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh béo phì. Và số trẻ béo phì có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Trong các trường hợp tới khám từ lứa tuổi nhà trẻ cho đến học sinh cấp III, có một đặc điểm là đều rất thích các loại thức ăn gây tăng cân, nhưng việc điều trị giảm cân không mấy hiệu quả vì không mấy trẻ có ý chí nói “không” với các loại thức ăn này.
Danh sách thực phẩm được coi là “thủ phạm” gây chứng tăng cân ở trẻ gồm khá nhiều loại, tập trung vào các loại thức ăn, đồ uống ngọt, thức ăn mỡ và cả trái cây. Phổ biến là các loại bánh snack, các món ăn “khoái khẩu” của tuổi học trò như bánh tráng trộn, kẹo bông đường, các loại kẹo trái cây, các loại nước ngọt có gas, các loại nước có đường như nước mía, nước đá màu, sirô. Ngoài việc cung cấp năng lượng rất cao và là “năng lượng rỗng” (loại năng lượng chỉ được sinh ra từ chất đường), các thức ăn này dễ gây tích tụ mỡ, khiến trẻ tăng cân nhanh nhất.
Thông tin đáng chú ý nữa đó là nếu 1g chất đạm và chất bột đường chỉ cung cấp 4 Kcalo thì 1g chất béo (có trong thịt mỡ) sẽ cung cấp tới 9 Kcalo. Món này lại là khoái khẩu ở bệnh nhi béo phì như: các loại thức ăn chiên (gà chiên, tôm chiên bột, phô mai que).
Cũng theo lưu ý của các bác sỹ, nhiều phụ huynh đến nay vẫn sai lầm khi cho rằng ép trẻ ăn trái cây sẽ giúp giảm cân, song thật ra, năng lượng sinh ra từ 2 trái chuối già, hoặc 3 trái hồng xiêm, hoặc 1 trái xoài hay: 6 múi sầu riêng bằng năng lượng ngang một chén cơm. Có nghĩa nếu cho trẻ ăn 1 trái chuối là đã ăn 1/2 chén cơm. Ngoài ra, thông tin nữa đáng quan tâm: chỉ cần một ngày năng lượng nạp vào đứa trẻ dư 150 Kcalo so với nhu cầu của cơ thể thì sau một năm các bé sẽ tăng thêm… 13kg!