Thực phẩm chứa độc tố: Thông tin và hệ lụy xã hội

Thứ Năm, 21/01/2010, 15:30
Thực phẩm không an toàn, gây bệnh, ảnh hưởng sức khỏe… Đó là điều hoàn toàn nhận thấy đối với rất nhiều chủng loại. Nhưng kể từ khi hai chữ cực kỳ nhạy cảm "ung thư" được gắn với các loại thực phẩm vốn quá thông dụng trên thị trường (nước tương, sữa, ớt bột, hạt điều, hạt dưa…) thì hệ lụy của nó không dừng lại ở các sản phẩm được nói tới mà gây ảnh hưởng lớn về mặt xã hội và đời sống kinh tế.

Từ đó đặt ra một số vấn đề:

Một là kết quả phát hiện hóa chất thường là ngẫu nhiên tại một số điểm kinh doanh. Chẳng hạn, thông tin hạt dưa chứa hóa chất có khả năng gây ung thư gây rúng động thị trường được khởi nguồn từ việc Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra ngẫu nhiên hộ kinh doanh Nguyên Hưng, quận 6. Câu chuyện bột ớt đỏ hiện nay cũng gây rúng động khi phát hiện có chất Rhodamine B - cũng là loại hóa chất độc hại, có thể gây ung thư. Vụ việc do Thanh tra Sở Y tế Quảng Nam kiểm tra ngẫu nhiên một số mẫu ớt bột bán tại chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế) có nguồn gốc từ cơ sở chế biến ở Đại Lộc…

Như vậy, việc phát hiện hóa chất nguy hại khi kiểm tra là đúng sự thật nhưng nó chỉ ở diện nhỏ và hoàn toàn không có tính phổ biến, nhưng khi được thông tin, lập tức nhiều người cho rằng: ớt bột, hạt dưa chứa chất gây ung thư. Có người đã không dám sử dụng các mặt hàng này.

Nhiều hộ dân nuôi bò sữa đã trắng tay sau thông tin sữa nhiễm melamine.

Hai, là thông tin đa dạng, nhanh chóng có hai mặt, vừa cảnh báo vừa giúp người dân biết để phòng tránh, nhưng chính sự thông tin vội vàng đôi khi lại phản tác dụng. Việc vi phạm được phát hiện ở một số cơ sở có tên, địa chỉ nhưng cách thông tin có biểu hiện đánh đồng, tạo hiệu ứng xã hội, gây tâm lý hoang mang.

Ba, về mặt khoa học, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kết luận, chứng minh vi phạm còn quá chậm trễ và không dứt khoát. Do vậy, hàng loạt hộ kinh doanh sản phẩm bị dư luận cho là nhiễm chất gây ung thư, lập tức bị tẩy chay, thiệt hại khó đong đếm.

Hệ lụy đối với khâu chế biến, kinh doanh rõ ràng rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp an ninh thương mại. Nhưng nguy hại hơn, đó là những người đứng đằng sau khâu chế biến, kinh doanh, họ chính là nông dân cung cấp sản phẩm. Họ hoàn toàn không có lỗi, vì sự tác động chỉ đến ở khâu chế biến, tiêu thụ. Nhưng họ lại phải lãnh đủ hệ quả khi sản phẩm bị từ chối vì lý do hoàn toàn không phải do mình.

Trong xã hội ngày nay, mọi thông tin nhạy cảm có sức lan tỏa ngoài tưởng tượng. Cơ quan khoa học cần sớm chứng minh đúng đắn, đầy đủ tính nguy hại trong các trường hợp cụ thể. Còn cơ quan thông tin, mọi việc "đi tắt" đều không có lợi, cần phải dựa vào kết luận khoa học, không suy diễn, để tránh gây hệ lụy xã hội

Đăng Trường
.
.
.