Thực hư chuyện khan hiếm vé tàu hỏa

Chủ Nhật, 10/11/2013, 14:41
Vào những dịp lễ Tết, nhắc đến chuyện mua vé tàu, không ít người tỏ ra ngán ngẩm. Ra ga chưa chắc có được tấm vé đúng theo ý mình, thậm chí liên tục nhận được câu trả lời “hết vé” từ phía nhân viên.  Cực chẳng đã, không ít người dân đành chọn cách mua lại vé của “cò” với giá chênh lệch không nhỏ.

Ngành Đường sắt giải thích rằng, những ngày cao điểm, do cầu vượt cung, nên người dân thông cảm, phải có kế hoạch mua vé sớm. Người dân cũng dần thông cảm. Ấy thế nhưng, kết quả thanh tra của Bộ GTVT mới đây nhất lại chỉ ra rằng: Trên một số chặng của ngành Đường sắt có hiện tượng khan vé giả. Ngoài ra, công tác bán vé, quản lý chi phí vận tải, cơ sở xây dựng giá vé… còn nhiều bất cập.  

Tại Kết luận thanh tra số 11833/KL-BGTVT về việc bán vé, quản lý bán vé; chi phí vận tải và cơ sở xây dựng giá vé hành khách tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thẳng thắn chỉ rõ những bất cập:  cho đến thời điểm thanh kiểm tra, một số quy định về bán vé, quản lý bán vé của Đường sắt Việt Nam đã không còn phù hợp, làm hạn chế việc sử dụng hệ thống bán vé qua mạng, hạn chế độ linh hoạt trong bán vé…

Cụ thể, hiện nay, việc bán vé tại ga là chủ yếu, nhưng ở các ga đều không công khai các thông tin về số lượng vé còn lại theo quy định, cũng như kế hoạch bán vé; chưa có hình thức bán vé qua mạng, thanh toán qua thẻ, sử dụng vé điện tử, vẫn bán vé bằng thủ công. Cụ thể như Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (Công ty Khách Hà Nội) còn 114 ga/194 ga bán vé bằng hình thức viết tay. Hình thức bán vé điện toán trực tuyến chưa thực sự hướng tới phục vụ tốt việc mua vé của hành khách.

“Việc đưa vé lên mạng cũng chỉ là để đặt chỗ, hành khách vẫn phải ra ga, đại lý nhận vé; hệ thống bán vé điện toán và website bán vé chưa thành một hệ thống nhất, nên khó công khai lượng chỗ, vé còn tồn cho hành khách trên mạng. Bên cạnh đó,  các đại lý bán vé của ngành Đường sắt phân bổ và tập trung không đồng đều, làm hạn chế tác dụng mạng lưới đại lý này”, kết luận nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn chứng, tại khu vực miền Nam có 36 đại lý, nhưng số lượng đại lý bán vé tập trung ở TP Hồ Chí Minh nhiều (22/36 Đại lý). Một số khu vực, một số tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, dân cư đông, đặc biệt ở các khu công nghiệp có nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa cao, thì chưa có đại lý bán vé.

Mặt khác, thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khan vé là do việc quy định kho vé. Cụ thể, việc quy định hình thành 10 kho vé (trong đó kho công cộng hạn chế và công cộng ga trước 48 giờ còn vé mới chuyển sang kho công cộng) dẫn đến không linh hoạt trong việc bán vé phục vụ hành khách...

Kiểm tra cụ thể trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã phát hiện ra nhiều tồn tại dẫn đến khan vé giả, thất thoát kinh phí, cũng như chất lượng phục vụ hành khách kém. Tuyến Hà Nội - Lào Cai là tuyến có lượng khách đi lại lớn, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết, cuối tuần, nhưng tổ chức chưa linh hoạt. Công ty Khách Hà Nội là đơn vị được Đường sắt Việt Nam phân cấp quản lý kinh doanh và ban hành giá cước hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai.

Việc khó mua vé tàu tại ga Lào Cai được phản ánh từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được ngành Đường sắt giải quyết triệt để.

Nhiều năm nay, ngành Đường sắt đã cho các Công ty thuê toa trọn gói để kinh doanh. Năm 2013 có 17 doanh nghiệp tham gia. Lượng toa, giường nằm mềm, điều hòa cho thuê chiếm 62/76 toa, trong đó 42 toa do các đơn vị cải tạo từ toa ngồi thành có giường nằm, điều hoà. Một số công ty sau khi ký hợp đồng đầu tư cải tạo toa xe đã nhượng lại quyền khai thác cho các đơn vị khác. Do lượng khách đi lại không đều, nên hình thức cho thuê trọn gói khó tránh khỏi xung đột về cung, cầu, tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội vào những lúc cao điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, việc xã hội hóa không có quy định (quy chế). Trong khi, việc công bố giá vé dịch vụ gia tăng còn để các doanh nghiệp thuê toa trọn gói công bố và không bán vé ở ga, mà bán ở trụ sở công ty không được đăng ký. Chất lượng toa xe còn thấp, đặc biệt là các toa tàu tuyến địa phương; chất lượng phục vụ hành khách chưa đạt yêu cầu như: vệ sinh môi trường, chăn ga, gối đệm... Thực tế, Luật quy định, Công ty khách Hà Nội là doanh nghiệp duy nhất ở phía Bắc đủ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng đường sắt, được phép công bố giá vé và phải tuân thủ các quy định về bán vé, quản lý bán vé.

“Các tồn tại nêu trên thuộc trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Khách Hà Nội và Công ty khách Sài Gòn”, lãnh đạo Bộ GTVT kết luận. Bộ GTVT cũng yêu cầu chấm dứt chính sách hỗ trợ, miễn giảm giá vé bằng hình thức Giấy đi tàu việc riêng. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tại các Ga Hà Nội, Lào Cai, Sài Gòn phải thu hồi diện tích mặt bằng kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 để tập trung cho việc bán vé, tiếp đón hành khách và đảm bảo an toàn thoát hiểm cho hành khách. Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại trên.

Còn nhiều trường hợp sử dụng Giấy đi tàu không đúng quy định

Theo kết luận của đoàn thanh tra, việc sử dụng Giấy đi tàu việc riêng không đúng quy định của Công ty Khách Hà Nội làm mất nguồn thu của ngành Đường sắt Việt Nam trong 2 năm (2011 và 2012) là 1,604 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2011 sử dụng 53.785 vé bằng 801.782.000đ, năm 2012 là 44.714 vé bằng 803.779.000đ.

Sẽ lắp thiết bị GSHT trên tàu để quản lý và theo dõi

Ngoài việc yêu cầu thu hồi diện tích mặt bằng kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 (các ga: Hà Nội, Lào Cai, Sài Gòn) để tập trung cho việc bán vé, tiếp đón hành khách và đảm bảo an toàn thoát hiểm cho hành khách, Thanh tra Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất các đầu tàu, để thuận tiện trong việc theo dõi và quản lý.

Đặng Nhật
.
.
.