Thực hư chuyện chữa bá bệnh bằng cách “nói chuyện suông”
Nhiều “bệnh nhân” đến nhà “thầy” chữa bệnh bằng cách ngồi nghe nói chuyện đã khẳng định mình đã và đang hết bệnh. Trong khi đó, chính quyền địa phương nhiều lần vận động, yêu cầu “thầy” Hùng dừng việc khám chữa bệnh vì thiếu cơ sở khoa học, hoạt động không giấy phép và tụ tập đông người nhưng ông vẫn không chấp hành.
Ngồi nghe nói chuyện là hết bệnh?
Để tìm hiểu việc chữa bá bệnh thế nào, một ngày đầu tháng 4, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Võ Tấn Hùng ở số 18, thuộc tổ 52 (khu vực 8, phường Hưng Phú). Nơi “thầy” chữa bệnh là căn nhà cấp 4, rộng chừng 100m2, được tận dụng làm nơi khám bệnh và bán café, nước giải khát. Lúc này, cũng đã có gần 40 người đang ngồi vây quanh nghe “thầy” Hùng, người đàn ông cao gầy, râu tóc xuề xoà vận chiếc áo thun cùng chiếc quần đùi cụt ngủn ngồi trên võng nói liên hồi về các vấn đề nhân sinh quan, hướng thiện, tâm phật, đạo làm người…
Tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi, thì được chị phụ nữ gần đó lấy ghế kéo lại rồi nói: “Chú cứ ngồi đây, thầy Hùng đang chữa bệnh đó. Nhìn vậy chứ, cứ ngồi nghe thầy nói chuyện là bệnh gì cũng hết trơn à. Với lại không tốn tiền nữa”. Trong lúc tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì, “thầy” Hùng dừng lại chỉ vào người ngồi phía trước (chủ yếu là những người mới đến – PV) hỏi tên tuổi, quê quán rồi phán bệnh. Nói đoạn, thầy Hùng liền huơ tay phải 3-4 lần rồi vỗ 2 bàn tay lại với nhau nghe cái “bốp” và vỗ vào đùi thêm cái nữa mới dừng lại. “Chỉ cần như vậy là xong, cứ đến thường xuyên nghe thầy Hùng nói chuyện là hết bệnh liền”, anh Nguyễn Bá Chí (37 tuổi, ngụ khu vực 4, phường Hưng Thạnh) tiết lộ.
![]() |
Rất đông người tìm đến nhà ông Võ Tấn Hùng ngồi nghe chữa bệnh bằng cách “nói chuyện suông”. |
Theo lời anh Chí, anh bị viêm màng não gần 2 năm, đã đi điều trị tại bệnh viện tốn gần 20 triệu đồng nhưng bệnh không hết. Gia đình nghèo khó, tiền bạc cạn kiệt nên đành về nhà nằm chờ chết. “Gần 2 tháng tôi không ăn uống được, phải bơm thức ăn qua đường thực quản… Nghe người ta nói, tôi tìm đến đây nhờ chữa bệnh. Lúc đầu thấy cách chữa bệnh như thế, tôi không hề tin. Nhưng gần 3 tháng lại đây uống cà phê, nướt ngọt rồi nghe thầy Hùng nói chuyện mà bệnh tôi gần hết. Giờ có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình”, anh Chí nói.
Trong lúc trị bệnh ông Võ Tấn Hùng cũng nói chuyện với các “bệnh nhân” khá cởi mở: “Bà con lại đây trị bệnh, thấy trong người có đỡ hơn hoặc hết hay không thì nên đến bệnh viện làm các xét nghiệm coi kết quả như thế nào”. Để khẳng định chuyện “thầy” Hùng chỉ nói chuyện là có thể chữa khỏi bệnh, anh Dương Thành Phong (34 tuổi, ngụ khu vực Thạnh Phú, phường Phú Thứ) còn xắn tay áo lên chỉ cho chúng tôi xem những đốm đen khắp người. Anh Phong nói hớn hở: “Anh thấy không, thầy Hùng nói đây là bệnh nó từ từ ra khỏi người tôi đấy”. Theo lời anh Phong, anh bị lao phổi hơn 2 năm đã chữa trị nhiều chỗ, tốn hơn 20 triệu đồng nhưng vẫn không khỏi. Trong lúc tuyệt vọng, thì được mọi người chỉ đến “thầy” Hùng để chữa trị. Nhưng từ đó đến nay, anh cũng chưa đó điều kiện để đến bệnh viện kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết xem bệnh có đang khỏi hay không.
Còn anh Nguyễn Tấn Bình (55 tuổi, ấp Trường Hưng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) thì hớn hở: “Tôi bị nghiện rượu, nhậu suốt 38 năm qua nên bị co thắt tĩnh mạch, điều trị hoài không hết. Tôi tìm đến đây và sau gần 50 ngày điều trị, tôi đã bỏ được rượu. Bệnh tình cũng thuyên giảm, giờ thấy rượu là sợ luôn. Biết tôi trị được bệnh, vợ tôi cũng đi theo để trị viêm xoang và đã thuyên giảm nhiều lắm”.
Đông y không phải, Tây y cũng không
Ngày 10/4, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, đã chỉ đạo ngành chuyên môn là Sở Y tế nắm rõ tình hình báo cáo về UBND TP. Sau khi ngành chuyên môn báo cáo, UBND TP sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này. Về nguyên tắc, nếu cơ sở này có giấy phép thì mới được hoạt động.
Cùng ngày, ông Huỳnh Bảo Hiệp - Chánh văn phòng Sở Y tế cho hay, chúng tôi đã nghe thông tin về cơ sở của ông Võ Tấn Hùng mấy tháng nay rồi. Về thẩm quyền quản lý hoạt động khám chữa bệnh thuộc Sở Y tế, nếu đây là cơ sở khám chữa bệnh Đông y thì phải có hội đồng thẩm định của Hội Đông y, ngành Y tế sau đó xét thấy đủ cơ sở mới cấp phép. “Tuy nhiên, trường hợp này rất khó xử lý vì không phải là Đông y, cũng không phải Tây y nên không thuộc quyền cấp phép, quản lý, xử phạt của ngành Y tế. Việc này cần phải có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét cụ thể rõ ràng”, ông Hiệp nói.
Ngày 11/4, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ phối với Công an TP Cần Thơ và ngành chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp nói chuyện của ông Võ Tấn Hùng (52 tuổi, ngụ tổ 52, khu vực 8, phường Hưng Phú, TP Cần Thơ). Tại thời điểm kiểm tra, tại quán cà phê nằm sát vách nhà ông Hùng (vừa là quán cà phê, vừa là cơ sở khám bệnh) có gần 10 người dân đang ngồi nghe ông Hùng nói chuyện để chữa bệnh. Thượng tá Bùi Minh Tuấn – Phó Trưởng Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ) cho biết, qua kiểm tra bản thân ông Hùng chưa từng học tập qua chuyên môn về khám chữa bệnh Đông y hoặc Tây y và cơ sở khám chữa bệnh không có điều kiện về vật chất, dụng cụ chuyên môn trong khám chữa bệnh. Đây là hoạt động khám chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học, thời gian đầu số người khám bệnh của ông Hùng còn ít, nhưng về sau ngày càng đông. |