Thực hư “Thánh cô” chữa bệnh bằng... bùa vẽ

Chủ Nhật, 27/04/2014, 16:19
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người, Nguyễn Việt Trình (23 tuổi, ở thôn Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đã tự xưng là “Thánh cô” để dùng bùa vẽ chữa bệnh. Vì nhẹ dạ, cả tin nên mỗi ngày có trên dưới trăm người từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đổ xô đến nhà Trình chầu chực xin chữa bệnh...

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi đóng vai người bệnh tìm đến nhà “Thánh cô” Trình để xin được chữa bệnh. Mới hơn 7h sáng nhưng đã có khoảng 50 người chầu chực ngồi trước sân nhà để đợi đến lượt chữa bệnh. Vừa bước vào sân, một thanh niên khoảng 20 tuổi, xưng là em trai “Thánh cô” chạy đến đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở: “Anh vào bốc số rồi 3 hôm nữa quay lại khám bệnh chứ nay hết lượt rồi!”. Nghe vậy, tôi khẩn khoản: “Dạ! Nhà em ở xa, phải chạy từ Quảng Trị vào đây gần 100 cây số, có chi nhờ anh giúp cho...”.

Thấy tôi năn nỉ, người thanh niên này ra chiều nghĩ ngợi một lát rồi gật đầu đồng ý: “Ngồi đây, lát đến lượt thì vào “Thánh cô” khám bệnh. Nhưng “Thánh cô” hỏi gì thì trả lời ấy thôi, không được hỏi chi nhiều nghe chưa!”. Trời gần về trưa, lượt người đến nhà “Thánh cô” để xin khám bệnh càng đông hơn. Từ đầu xóm, một chiếc ôtô 12 chỗ ngồi mang BKS 74K-5853 chạy tới rồi tấp vào một bên đường ngay trước cổng. Từ trên xe, 7 phụ nữ ăn vận lịch sự, độ ngoài 50 tuổi bước xuống và đi vào nhà “Thánh cô” để... bốc số chờ đến lượt.

Ngồi bên cạnh tôi, bà Nguyễn Thị M. (54 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị) cho hay: “Hai năm nay tui bị tức ngực, khó thở nên gia đình đưa ra Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị (TP Đông Hà) rồi vào Bệnh viện TW Huế nhưng vẫn không chữa dứt bệnh. Nay nghe đồn ở Huế có “Thánh cô” chữa được nhiều bệnh nên vợ chồng tui bắt xe đò vào đây để xin bề trên bắt bệnh giúp”. Nghe bà M. nói vậy, tôi liền hỏi: “Răng dì tin “Thánh cô” chữa dứt bệnh được!” thì bà M. im lặng không nói gì.

Nguyễn Việt Trình (góc phải) tự xưng là “Thánh cô” để khám, chữa bệnh cho nhiều người theo kiểu mê tín dị đoan.

Quan sát cách chữa bệnh của Trình thì phát hiện ra rằng, bất cứ người bệnh nào, Trình cũng giả vờ đưa tay xoa bụng, xoa lưng... rồi sau đó viết “đơn thuốc” là những dòng kẻ nguệch ngoạc bằng bút dạ màu đỏ lên trên mấy tờ giấy trắng và không quên căn dặn người bệnh cách dùng: “Đem đốt tờ giấy này, lấy tro hòa vào nước uống sau khi ăn cơm tối thì... sẽ hết bệnh”(?).

Một lúc sau, nghe gọi đến phiên mình, tôi bước vào phòng khám bệnh của “Thánh cô” mà không khỏi ngạc nhiên bởi trên bàn làm việc của người tự xưng là “Thánh” chỉ có một hộp bút dạ màu đỏ, một xấp giấy “vẽ bùa”, một lốc ghi các số thứ tự để chia lượt cho người bệnh vào khám... chứ không hề có bất cứ dụng cụ y khoa chuyên môn nào!. Thấy tôi báo tên giả là Trần Lê Anh với vẻ mặt nhăn nhó khi liên hồi than đau ở phần bụng thì “Thánh cô” liền giở “chiêu cũ” với cách “khám” qua loa như những người trước. Sau đó kẻ mấy dòng vào tờ giấy trắng và kê “đơn thuốc”, gồm: 4 tờ “bùa vẽ” và 4 chai nước lọc rồi đưa cho tôi và không quên căn dặn: “Con uống thuốc này ít bữa, người sẽ hết bệnh ngay!”.

Trong khi đó, vì chờ đợi quá lâu nên nhiều con bệnh đến thắp hương và thay nhau khấn lạy trước bàn thờ cách chỗ “Thánh cô” khám bệnh chỉ 3 bước chân để cầu xin được chữa lành bệnh. Tiền công và tiền “thuốc” chữa bệnh đều do người bệnh tùy lòng đặt vào chiếc đĩa để phía sau bàn thờ. Được biết, trước khi tự xưng là “Thánh cô”, Trình là một sinh viên của một trường cao đẳng ở TP Huế, nhưng sau đó đã bỏ học để về nhà hành nghề chữa bệnh.

Trao đổi với bà Đặng Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, bà Hường cho biết: Việc chữa bệnh của Trình bắt đầu từ đầu năm 2014. Điều đặc biệt là người dân trên địa bàn xã và các vùng lân cận không một ai đến nhà “Thánh cô” chữa bệnh theo cách trên mà chỉ có người ngoại tỉnh. “Mới đây, xã đã mời gia đình ông Nguyễn Văn Trì (bố của Trình) lên làm việc và ký vào biên bản cam kết chấm dứt hoạt động chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan; nhưng chỉ được một thời gian lại tái diễn nên vẫn chưa xử lý được triệt để...”, bà Hường cho hay.

Ông Nguyễn Phi Quý, Trưởng Công an xã Hương Toàn cho biết thêm: “Cứ mỗi lần nghe người dân phản ánh việc Trình chữa bệnh thì lực lượng Công an xã đến, nhưng không bắt được quả tang. Tuy nhiên, Công an xã kiên quyết chấm dứt hoạt động tụ tập người dân để chữa bệnh theo kiểu phản khoa học của Trình nhằm đảm bảo tình hình ANTT địa phương”

Lê Anh
.
.
.