Thực hiện quy định người đi đò mặc áo phao: Kinh nghiệm từ Nam Định

Thứ Sáu, 04/04/2014, 12:00
Tại bến đò Huyện, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, khi vừa bước xuống đò, anh Hoàng Văn Hiếu, thuyền viên đò NĐ 2717 đưa áo phao cho tất cả hành khách và hướng dẫn cách mặc. Anh Hiếu cho biết, bước đầu người dân cũng rất bỡ ngỡ, nhưng khi được tuyên truyền, bà con đã vui vẻ chấp hành.

Quy định bắt buộc người điều khiển phương tiện đò ngang, đò dọc phải nhắc nhở người đi đò mặc áo phao được ban hành khá lâu, song trên thực tế chưa nhiều bến đò chấp hành. Bên cạnh đó, bản thân khách đi đò một phần do chủ quan, phần do ngại, hoặc không thấy chủ đò đưa nên không mặc… Chỉ khi có lực lượng chức năng đến, khách đi đò mới miễn cưỡng khoác hờ chiếc áo phao với mục đích đối phó là chính. Chính vì vậy, khi đi đò ở Nam Định, chúng tôi hết sức bất ngờ khi tất cả hành khách đều được chủ phương tiện đưa áo phao, dụng cụ nổi cầm tay, yêu cầu phải sử dụng.

Tại bến đò Huyện, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, khi vừa bước xuống đò, anh Hoàng Văn Hiếu, thuyền viên đò NĐ 2717 đưa áo phao cho tất cả hành khách và hướng dẫn cách mặc. Anh Hiếu cho biết, bước đầu người dân cũng rất bỡ ngỡ, nhưng khi được tuyên truyền, bà con đã vui vẻ chấp hành.

Ông Trần Văn Thuận, chủ bến đò Huyện cho biết, người dân bao đời nay đã quen với cảnh đi đò không mặc áo phao. Giờ bắt buộc mặc áo phao mới được đi đò nên lúc đầu không tránh khỏi việc nhiều người cảm thấy khó chịu. Bản thân là người kinh doanh, tôi chỉ nghĩ đầu tư phương tiện và người lái tốt để hạn chế tối đa tai nạn xảy ra tại bến đò. Nhưng hiện quan điểm này đã thay đổi khi chủ đò, người lái phải có trách nhiệm nhắc nhở hành khách thực hiện các quy tắc đảm bảo an toàn khi ngồi trên đò.

Thiếu tá Lâm Văn Đoàn - Phòng Cảnh sát đường thủy (PC67), Công an tỉnh Nam Định cho biết, để thay đổi được ý thức của chủ đò và người đi đò, chúng tôi phải làm rất sát sao, mất nhiều thời gian. Ban đầu là nhắc nhở, sau đó xử phạt hành chính. Đặc biệt là xử lí nghiêm đối với những chủ đò để cho khách qua sông mà không mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi. Để nâng cao ý thức người đi đò, Phòng PC67, Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, yêu cầu các chủ bến và người lái đò ký cam kết đảm bảo ATGT, đặc biệt chú trọng nhắc nhở người dân thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ GTVT và Nghị định 93 của Chính phủ quy định về việc bắt buộc mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi ngồi trên đò, đồng thời kịp thời có mặt, xử lí những người không chấp hành. Ngoài việc xử phạt nghiêm, Phòng PC67, Công an tỉnh Nam Định thường xuyên phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra từng bến khách ngang sông, nếu phát hiện bến nào không đủ điều kiện hoạt động sẽ kiến nghị rút giấy phép.

Người đi đò nghiêm túc mặc áo phao ở tỉnh Nam Định.

Thiếu tá Phạm Vũ Tuấn, Phó trưởng Phòng CSĐT, Công an tỉnh Nam Định cho rằng, việc kiểm tra thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi. “Thay vì trang bị áo phao, Ban ATGT tỉnh cũng như các cơ quan chức năng nên trang bị thêm dụng cụ nổi để tạo sự thuận tiện cho người dân khi ngồi trên đò cũng như việc bảo quản. Như vậy, Thông tư 15 của Bộ GTVT mới thực sự đi vào cuộc sống”, Thiếu tá Phạm Vũ Tuấn nói.

Như vậy, có thể khẳng định, việc thực hiện quy định người đi đò mặc áo phao là hoàn toàn có thể thực hiện được, điều quan trọng là phải có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, trong đó Cảnh sát đường thủy là chủ công, cùng với việc tuyên truyền và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nhân rộng mô hình của Nam Định

Đại tá Dương Ngọc Tiến, Phó Cục trưởng Cục CSĐT cho biết, Nam Định là địa phương đầu tiên được chọn thực hiện thí điểm tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện và sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông. Sau Nam Định, sẽ tiếp tục triển khai tại Thái Bình, Thừa Thiên - Huế và An Giang trước khi nhân rộng trên toàn quốc.

Bảo An
.
.
.