Thức ăn đường phố: Kinh hãi thực phẩm bẩn
Hà Nội từ xa xưa đã có những món ngon nức lòng người thưởng thức. Nay, những thứ được gọi là tinh hoa của ẩm thực Hà Nội như phở, cốm làng Vòng… bị lấn át bởi sự xô bồ, bởi lợi ích trước mắt của người kinh doanh. Hoa quả ngâm tẩm hóa chất, rau củ phun chất kích thích, các sản phẩm động vật chứa chất tạo nạc, tạo hồng, nhập lậu hàng kém chất lượng từ biên giới... Thời điểm này, cả nước đang lên kế hoạch chuẩn bị thực phẩm hàng hóa cho Tết Nguyên đán. Bởi vậy, đây cũng là lúc cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn đang vào hồi gay cấn.
Chưa bao giờ, vỉa hè Hà Nội được tận dụng tối đa như hiện nay. Chỉ cần vài chiếc ghế là có một quán trà đá di động cho dân công sở; một thùng nhựa đựng thực phẩm là có một quán cơm bụi vỉa hè cho người lao động, người nhà bệnh nhân trước cổng bệnh viện; vài chiếc bàn nhựa là có cả một nhà hàng không mái che với đầy đủ món khoái khẩu của đám học sinh, sinh viên… Thức ăn đường phố đa dạng, rẻ tiền nhưng chứa đầy ẩn họa bệnh tật.
Ghi từ quán ăn
Ánh đèn đường bắt đầu phát sáng cũng là lúc nhiều vỉa hè Hà Nội bước vào một thế giới sôi động khác hẳn ban ngày. Những bộ bàn ghế nhựa bày la liệt, những bếp ăn di động xuất hiện ngay lối đi dành riêng cho người đi bộ. Tuyến phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm biến thành tuyến phố hải sản, đoạn phố Tô Hiệu, gần cổng công viên Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy phục vụ khách đam mê món nầm, lòng nướng… Người ăn đông nghịt.
Quán ăn vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa. |
Khói bốc ra từ hơn chục bếp nướng ở quán nầm bò, nầm dê, lòng nướng trên phố Tô Hiệu khiến một góc phố nghi ngút. Không mái che, đồ nghề của những hàng quán vỉa hè chỉ là những bộ bàn ghế nhựa. Đủ các loại rác thải, giấy ăn, thức ăn thừa…được xả trực tiếp xuống vỉa hè rất mất vệ sinh. Do ở ngay vỉa hè nên tiện dừng đỗ xe, thời tiết lại se se lạnh, giá cả tại các quán vỉa hè khá phải chăng… nên khách ăn tại đây đông như hội. Mùi nướng nầm, lòng… được tẩm ướp gia vị bốc ra thơm nức mũi khiến ai đi qua cũng muốn dừng chân thưởng thức.
Trên mỗi chiếc bàn nhựa dầu mỡ nhầy nhụa, cùng với chiếc bếp cồn, các thực khách sẽ được phục vụ những đĩa nầm mà theo chủ quán cho biết đó là nầm bò, nầm dê, lòng lợn trắng phau phau, thái thành những miếng nhỏ đã được tẩm ướp gia vị màu nâu đỏ khá bắt mắt.
Dưới ánh đèn đường nhờ nhờ, phần lớn người ăn không thể quan sát kỹ chất lượng của những đĩa thực phẩm này. Khi lấy chiếc đèn nhỏ soi kỹ vào đĩa nầm, chúng tôi không khỏi ghê sợ khi phát hiện ra nhiều miếng nầm xuất hiện những chấm màu đỏ như những nốt xuất huyết. Không những thế, khi ăn những miếng nầm đã được nướng chín khá thơm, ngoài mùi vị của các loại phụ gia tẩm ướp, rất dễ nhận ra mùi vị tanh tanh.
Quán ăn đêm vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Đi sát đến khu vực chế biến, chúng tôi quan sát thấy những loại thực phẩm như nầm, lòng, tràng… đều đã được tẩm ướp để sẵn trên những âu to. Thỉnh thoảng, ông chủ lại lấy tay xua những con ruồi, nhặng bám trên những miếng nầm đã được tẩm ướp. Mỗi đĩa “mồi nhậu” gồm vài miếng nầm, lòng, dạ dày, thịt sẽ được bán với giá 150.000 đồng. Nhẩm sơ sơ, mỗi buổi tối, các hàng quán kinh doanh vỉa hè thu về hàng chục triệu đồng.
Nầm, lòng... chỉ là một trong những món khoái khẩu của thực khách được các cơ quan chức năng đánh giá là có nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế, có vô số thực phẩm bị sử dụng phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng, vi phạm VSATTP.
Thực phẩm bẩn: Từ biên giới vào nhà hàng
Đánh giá về độ tin cậy của thực phẩm sử dụng trong các nhà hàng, quán ăn vỉa hè, đặc biệt là nội tạng động vật, Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực y tế và ATVSTP (Đội 6), Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội cho rằng, phần lớn món nầm dê đều bị làm giả từ nầm lợn đưa về từ biên giới phía Bắc. Ở nước ngoài, đó là sản phẩm thải loại, hết khả năng sinh sản, tồn dư nhiều kháng sinh, chất độc hại nên phải tiêu hủy. Tuy nhiên, nó đã được đưa qua biên giới, vào sâu trong nội địa và chế biến, tẩm ướp phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng. Trung tá Sơn còn cho biết, đơn vị đã từng thu giữ cả một xe ôtô chở 6 tạ nầm lợn kém chất lượng trên đường vận chuyển từ biên giới xuống Ninh Bình – nơi nổi tiếng với những món ăn liên quan đến thịt dê.
Ở những vụ việc được khám phá, phần lớn những loại thực phẩm như nầm, lòng… đều ở tình trạng đang phân huỷ, chảy nhớt, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín. Gần đây nhất, vào khoảng 5h ngày 24/10, Đội 6 đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 8, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện chiếc xe tải BKS 89C-04.055 đang bốc hàng tại khu vực Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Quá trình kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện trên chiếc xe tải này có 17 kiện hàng, bên trong các kiện hàng đều chứa nầm lợn đã biến đổi màu và đang bốc mùi hôi thối. Toàn bộ bao bì của các kiện hàng này đều mang nhãn mác Trung Quốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Trịnh Văn Nam, 32 tuổi, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng cũng như giấy tờ kiểm dịch. Nam khai nhận, trước đó, số nầm lợn này được một xe tải 1,25 tấn chở từ Lạng Sơn đến xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, sau đó xé lẻ chia theo xe tải chở đi các tỉnh.
Phần lớn những loại thực phẩm “bẩn” đều bị tuồn từ biên giới vào nội địa qua con đường thẩm lậu. Sau khi vào nội địa, thực phẩm này sẽ được xé lẻ chuyển đi các tỉnh và cả vào miền
Từ đầu năm đến hết tháng 10/2013, có tới 81/111 vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc được Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội khám phá, xử lý. Đặc biệt, trong số đó có tới 9 vụ cá tầm và thủy sản Trung Quốc nhập lậu, truy tố 2 vụ liên quan đến thực phẩm chức năng giả và nước Lavie giả. |